ENSEIGNEMENT  PRATIQUE  QI GONG 
TU HỌC  TU TẬP  KHÍ CÔNG 

Xâu chuỗi Bồ Đề của Cư Sĩ chúng ta



Hôm nay chúng ta thử kết một xâu chuỗi bồ đề phổ thông cho mình, xem như mình là hạng trung căn. Theo những kết quả mình đã kinh nghiệm từ trước tới nay, điều kiện đầu tiên là phải tỉnh ngộ.

1. Tỉnh ngộ - Từng sống trong đời, qua bao nhiêu năm từ khi trưởng thành, vào đời, gánh vác gia đình, cái gia đình nhỏ hẹp của mình, có khi là cái gia đình mở rộng, ông bà, cha mẹ,cô bác, anh em hai họ, làm sao mình tránh khỏi lo lắng, suy tư, phiền não. Ngẫm nghĩ lại, có khi quên cả bản thân, sáng đến chiều, mãi bôn ba kiếm sống, khi được ngả lưng nghỉ ngơi, thì thân và tâm đã rã rời. Cứ thế ngày qua ngày, tới khi nhìn vào gương soi thấy tóc bạc. Mới hay đã qua nửa đời. Mới hay đã bắt đầu bước thứ hai của kiếp sống: sinh- lão, từ lão tới bệnh và tử chắc sẽ mau hơn nữa. Lúc đó mới băn khoăn, mình sẽ nương tựa vào đâu trên con đường dài thăm thẳm của luân hồi. Mình tìm về Đức Phật, như cha mẹ khi xưa từng dẫn con cháu tới chùa.

2. Quy y - Thọ ngũ giới. Cảnh chùa, khi xưa, thường là cảnh thiên nhiên, trầm lắng, u tịch. Người tu thường là hiền hoà, đơn sơ, ít nói, ít cười. Đến chùa, chỉ ngắm cảnh, lạy Phật, nghe tiếng chuông ngân trong buổi chiều tà, cũng rũ bỏ được bao nhiêu phiền toái của đời. Từ đó, mình phát tâm quy y Tam bảo và thọ ngũ giới. Năm giới này là căn bản của đạo đức con người. Gìn giữ năm giới là từ từ chuyển hoá cái tâm ý. Lời nói và hành động là biểu hiện của tâm ý. Khi tâm ý chỉ nghĩ tới việc tốt, nghĩ tốt về người khác, thì thể hiện ra vẻ mặt nhu hoà, dễ thương, lời nói nhỏ nhẹ êm dịu, cử chỉ thân ái. Như vậy là không còn nghiệp xấu ác nữa. Bản thân khỏe mạnh, gia đình hài hòa, con cháu ngoan hiền. Giới hạnh là con đường ngắn nhất đi vào “trái tim” của người khác.

3. Nghe pháp - Tiến lên một bước nữa, chúng ta có nhiều thắc mắc cần phải được giải đáp sáng tỏ: Mình là ai? Mình từ đâu tới đây? Sau đời này mình sẽ ra sao? Chúng ta thích tìm hiểu, tìm đọc trong kinh sách, thường đến chùa, thích nghe giảng pháp. Khi đã biết phương thức tu tập rồi, chúng ta quyết tâm dấn thân theo một con đường, con đường này phải thích hợp với khả năng của mình, tức là mình hiểu rõ phương cách tu tập, biết rõ con đường này dẫn mình tới kết quả gì. Có đúng với mục tiêu của mình hay không. Có đúng với kinh điển của đức Phật hay không. 

4. Quán - Bắt đầu là chuyển hóa cái thấy của mình, cho đúng theo cái thấy khách quan của đức Phật. Đó là nhận ra thật rõ về ba đặc điểm của thế gian: vô thường, khổ, vô ngã. Mình có tuệ trí siêu vượt thế gian. Tới đây, tâm bắt đầu bớt dính mắc chặt chẽ vào những diễn biến của cuộc đời, hay sự đổi thay, khi vui khi buồn, khi thương khi ghét của người khác. Như vậy bắt đầu cảm nhận mình bớt phiền muộn, bớt lo âu vì những việc của người khác.

5* Chỉ - Tiếp theo mình thực tập các phương thức làm cho tâm ý từ từ chậm lại và dừng lại. Mình vẫn sống bình thường, tiếp xúc với người khác. Khi thấy cảnh gì, nghe âm thanh gì, xúc chạm với môi trường, mà tâm vẫn bình an. Chỉ biết rõ cảnh ấy, người ấy, nhưng tâm không gợn sóng thích hay không thích, không xét đoán, chê bai hay mừng rỡ. Đó là tập làm chủ tâm trong mức độ ban đầu, tâm bắt đầu trầm lại, yên lặng, thanh thản, tạm gọi là Samatha.

6. Định - Bước kế tiếp là phải nhận ra giây phút tâm yên lặng đó ra sao. Dù là trong một giây. Rồi từ đó tập hoài, tập hoài. Lúc nào rảnh rang một phút, năm phút, gợi lại trạng thái “tâm hoàn toàn yên lặng” đó. Trạng thái đó thiệt ra chỉ là lúc đó có cái biết rõ ràng mà không diễn nói gì hết, cho nên biết mà hoàn toàn trống rỗng, yên lặng. Có thể có nhiều cách trình bày chỗ đó. Có vị nói là: chỗ đó thênh thang, chỗ đó rỗng suốt, không một vật v .v... Trạng thái đó vững chắc, tạm gọi là Samàdhi/ Định. Phương thức phổ thông là tập Thở hay Không Nói thầm.

7. Thầm nhận biết - Có vô số trạng thái chưa vững chắc hay vững chắc của tâm. Có khi hôm nay vững chắc, ngày mai lại lo âu việc khác nên khởi vọng tưởng v.v...Cho nên rất khó xác định một trạng thái tâm, vì tâm hay ý bản chất nó là động, nó chịu qui luật duyên sinh, cũng như tất cả thế gian này, đều ở trong qui luật duyên sinh. Duyên sinh nên là pháp hữu vi, luôn luôn vô thường, biến đổi, hoại diệt, tái sinh, trống không, huyễn ảo. Vì thế, mình chỉ tạm giải thích và đặt tên từng bước thực hành như là một việc bất đắc dĩ, phải tạm dùng ngôn ngữ đặt tên để diễn tả cái không thể diễn tả. Vậy khi cái biết không lời được kéo dài mình tạm gọi là “thầm nhận biết”.

8. Huệ - Đồng thời đức Phật có dạy thêm một phương thức rất quan trọng, cũng hướng tới một mục tiêu, đạt cái biết không lời. Đó là : Như Thực. Thấy, nghe, xúc chạm đều biết rõ. Rồi dừng. Cái biết này cũng yên lặng, khách quan. Yên lặng là không nói thầm tên của đối tượng, không diễn tả gì thêm nữa. Khách quan là đối tượng ra sao, biết rõ y như nó có trước giác quan của mình lúc đó. Khi thực hành pháp này, mình dẹp thành kiến, định kiến, dẹp quá khứ, tương lai cũng không dính mắc với đối tượng nào trong hiện tại, cũng không dính mắc với ngay đối tượng mình đang dụng công. Nói rõ hơn, lúc đó cũng là trạng thái tâm “biết không lời” hay “thầm nhận biết”. Nói xa hơn, đó là “đối cảnh vô tâm”. Kinh Kim Cang cũng dạy: “Bất ưng trụ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp sinh tâm. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Cũng là chỗ này.

9. Tỉnh thức biết - Bước này cũng chỉ tạm đặt ra để tiếp nối. Chúng ta cần tập hoài các bước “ biết không lời”, hay “thầm nhận biết”, hay “biết như thực” trong sinh hoạt hàng ngày. Dĩ nhiên, mình còn gia đình, còn làm việc, khi đòi hỏi suy nghĩ tính toán, mình vẫn suy nghĩ tính toán. Tuy nhiên có khi tâm yên lặng thanh thản, tiềm năng giác ngộ có duyên may sẽ kiến giải nhiều điều hay, mới lạ, thú vị hơn.

10. Nhận thức biết - Cuối cùng, cái kết quả tất nhiên là tất cả những kinh nghiệm, công phu tu tập của mình tự động cất giữ trong kho tàng nhận thức của mình. Tất cả đều được thông hiểu, ghi nhớ, tạm đặt tên là kho nhận thức cô đọng. Và là nhận thức không lời, khi nó nằm im trong ký ức dài hạn hay trong vùng Precuneus. Khi nó trình bày ra, nó là suối nguồn của “biện tài vô ngại”.

11. Thể nhập chân như - Bấy giờ, tâm này chỉ là trạng thái trống không, trống rỗng, thênh thang, không bờ bến, hoàn toàn tĩnh lặng, tạm nói là tâm bất động. Chân như chính là đó. Là nhận ra “tâm như”. Khi nhìn ra cảnh bên ngoài, tâm mình bất động, khách quan, tĩnh lặng, thì cảnh cũng bất động, khách quan, tĩnh lặng. Đó là thấy cảnh như. Vậy là thấy rõ chân như của tâm và cảnh, cũng là một, bình đẳng, không khác. Từ kinh nghiệm chân như tánh mới kinh nghiệm bình đẳng tánh. 

Từ đó mới phát huy được tứ vô lượng tâm: từ, bi, hỷ, xả, bình đẳng.

Đây là những kết quả tất nhiên của sự phát huy Phật tánh:

Trên đây chúng ta tạm vẽ lại sơ lược con đường tu tập của mình, đó là theo nguyên tắc mình có đầy đủ quyết tâm, cần mẫn, tinh tấn hoài không thoái chuyển, dù gặp những chông gai thử thách của đời, hay nghiệp báo từ quá khứ.

Câu hỏi của cô là: cái gì là điều kiện quan trọng nhất trên con đường tu của mình? Hay sợi chỉ đỏ xuyên suốt xâu chuỗi bồ đề của mình là gì?

Tổ Đình, ngày 2- 3- 2021

Triệt Như

Nguồn : tanhkhong.org


Auteur : Triệt Như
Publié le : 11-01-2023 - 19:08