ENSEIGNEMENT  PRATIQUE  QI GONG 
TU HỌC  TU TẬP  KHÍ CÔNG 

Từ cổng Huệ



TỪ CỔNG TUỆ


Tuệ ở đây mình muốn nói tới Vipassanā, Tuệ Minh sát. Trong giới hạn bài này, mình bàn tới bài Kinh Niệm Xứ, trong kinh Nikāya.

Mặc dù thông thường người ta vẫn nói “Quán Tứ niệm xứ”, trong bài kinh cũng nói “Quán thân” (Kāya-anupassanā) v.v…nhưng hiện nay các vị tôn đức xếp bài kinh Niệm xứ là Vipassanā, là thuộc Tuệ. Cho nên trong bài này, mình cũng tạm nói là Tuệ, tức là dùng tuệ thực hành, mà Anupassanā cũng dùng tuệ và cũng phát huy tuệ. Nhìn phóng khoáng, ta biết danh xưng hay sự xếp loại, có giá trị tương đối thôi.

Bài kinh Niệm xứ được đức Phật trịnh trọng giới thiệu:

Này các Tỷ-kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Đó là Bốn Niệm xứ.

Đến khi kết thúc bài kinh, đức Phật lặp lại một lần nữa: “Đây là con đường độc nhất…”v.v… Tại sao là con đường độc nhất? Vấn đề này, chúng ta tạm xếp lại, đến cuối bài, mình sẽ hiểu thôi.

Mới đọc lời tựa đầu bài kinh, chúng ta đã thấy: Niệm Xứ là phương thức tu rốt ráo của bậc A la hán, tức là thành tựu chánh trí, chứng ngộ niết bàn. Nghệ thuật thu hút sự chú ý của người khác là ngay trong lời giới thiệu đã trình bày rõ những kết quả vượt trội của “niệm xứ”, là đưa hành giả đến kết quả cuối cùng.

Bây giờ mình đi vào bài kinh. Cấu trúc toàn bài rõ ràng, thứ tự. Ngay trong mấy câu giới thiệu tổng quát đầu tiên, mình đã biết toàn bài kinh sẽ bàn tới 4 xứ, tức 4 lãnh vực lần lượt:

Bốn lãnh vực này cũng được trình bày mạch lạc, từ cụ thể đơn giản lần tới trừu tượng khó thấy hơn. Thân là phần vật chất, cụ thể, dễ nhận biết qua giác quan và qua trí năng. Thọ xem như chuyển tiếp giữa thân và tâm, cũng còn dễ nhận ra tuy đã trừu tượng hơn một chút. Tâm thì hoàn toàn trừu tượng. Đến pháp hiện hữu trong tâm là khó thấy nhất.

Mỗi lãnh vực lại phân tích ra những tiểu mục nữa.

Thân có 14 tiểu mục:

  1. Thở
  2. Bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi.
  3. Biết rõ việc mình đang làm.
  4. Tứ đại: đất, nước, gió, lửa
  5. Tất cả các bộ phận trong cơ thể.
  6. Chín tướng trạng thi thể tan rã ở nghĩa địa.

Thọ có 6 tiểu mục:

  1. Lạc thuộc vật chất
  2. Lạc không thuộc vật chất
  3. Khổ thuộc vật chất
  4. Khổ không thuộc vật chất
  5. Bất lạc bất khổ thuộc vật chất
  6. Bất lạc bất khổ không thuộc vật chất

Tâm có 8 tiểu mục:

  1. Tâm có tham / không tham
  2. Tâm có sân / không sân
  3. Tâm có si / không si
  4. Tâm thâu nhiếp / Tâm tán loạn
  5. Tâm quảng đại / Tâm không quảng đại
  6. Tâm hữu hạn / Tâm vô thượng
  7. Tâm có định / Tâm không định
  8. Tâm giải thoát / Tâm không giải thoát

Pháp có 5 tiểu mục:

  1. Năm triền cái
  2. Năm thủ uẩn
  3. Sáu nội ngoại xứ
  4. Bảy Giác chi
  5. Bốn Thánh đế

Chúng ta chỉ lướt qua toàn bài kinh như thế để mình có một nhận định khái quát là bài kinh này phân tích chi ly nhiều tiểu mục. Tuy nhiên cách thực hành thì tương tự nhau.

Bây giờ chúng ta thử khảo sát các bước thực hành. Phần này quan trọng hơn.

Bước thực hành 1:

Đối với hầu hết các tiểu mục đều bắt đầu là “tuệ tri”, riêng tiểu mục Tứ Đế thì “tuệ tri như thực”, thiệt ra cả hai đều là chức năng của tánh biết, hiển lộ ra của phương thức Như Thực/ yathābhūta. Tuệ tri là chiếc chìa khóa kim cương, mở cánh cửa trí tuệ, để giải thoát. Ngay trong khi 6 căn tiếp xúc 6 trần cảnh bằng sự tuệ tri, chúng ta ngay lúc đó là giải thoát. Chúng ta có thể hiểu ý nghĩa của giải thoát là:

“Tuệ tri”, hay trong kinh Nikāya lại còn dùng từ “niệm” và “chánh niệm”, cách thực hành cũng tương tự nhau. Đó là chức năng của chân tâm, cái biết tĩnh lặng, thuần tịnh, khách quan của mình.

Trong bước thực hành thứ 1 là đã bắt đầu bằng việc sử dụng cái biết trong sạch, tĩnh lặng, khách quan của chân tâm rồi, nên bài kinh Niệm xứ này là dành cho những vị tỳ kheo đã tu tập một thời gian và đã có kinh nghiệm tuệ tri.

Tuệ tri được dùng rộng rãi, nếu trong tâm không có ý nghĩ xấu ác, dù ta có suy nghĩ, có phân biệt thiện ác, có lý luận, có ghi nhớ…vẫn là đang tuệ tri, dù đối tượng là trong tâm hay cảnh bên ngoài.

Bước thực hành thứ 2:

Như vậy, vị ấy sống quán thân trên nội thân hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên cả nội thân, ngoại thân; hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân. "Có thân đây", vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy không nương tựa, không chấp trước vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán thân trên thân.*

Bước này mới thực sự là Quán, trong ý nghĩa của “như lý tư duy/ như lý tác ý” mà trong kinh Nikāya, đức Phật vẫn thường nhắc các vị tỳ kheo phải lắng nghe pháp rồi sau đó phải suy gẫm thêm để hiểu rõ và ghi nhớ.

Đọc kỹ đoạn trên, mình biết đức Phật khai triển rộng hơn cái chủ đề ban đầu. Trong bước 1 chủ đề gom lại: thân của mình, thọ, tâm, pháp hiện diện trong tâm mình thôi. Nếu chỉ có thế, thì cái biết còn giới hạn, bỏ quên thế gian bên ngoài, như là chạy trốn cuộc đời, là chưa đầy đủ trí tuệ. Bước thứ 2 này trở ra đời sống thực tế, cái vũ trụ rộng lớn bên ngoài kia, cũng y hệt cái vũ trụ nhỏ trong thân tâm mình, đều cùng qui luật: hễ có sinh ra thì phải có diệt mất đi. Đó là tánh của vạn pháp, là vô thường, là trống không, là huyễn hóa. Tuy trong văn kinh Niệm Xứ không nói đến chữ “vô thường, trống không, hay huyễn hóa”, mà chỉ nói là “quán tánh sanh diệt” thôi, nhưng nội dung đâu có khác. Và kết quả tất nhiên là: “vị ấy không nương tựa, không chấp trước vật gì trên đời”.

Bước thực hành thứ 3:

đây thiệt ra là kết quả thôi “vị ấy an trú chánh niệm như vậy”.

Không nương tựa cái gì trên đời vì cái gì cũng thay đổi, cũng sanh diệt từng sát na thời gian. Biết rõ vậy rồi thì không lăng xăng tìm kiếm, không muốn nắm bắt cái gì của đời nữa, tâm dừng lại, thanh thản, nhận biết rõ thế gian như vậy, không diễn nói, không phán xét, không buồn vui vì thế gian nữa, tâm bất động trước gió đời, dù cho gió đời vẫn cứ thổi qua. Đây là tiến trình chứng ngộ niết bàn mà từ đầu đức Phật đã nêu ra.

Này các Tỷ-kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Đó là Bốn Niệm xứ.

Mình dùng từ ngữ “tiến trình” là vì toàn bài kinh Niệm Xứ là một “tiến trình chứng ngộ niết bàn”. Nếu chỉ chú ý tới bước thứ 1 thôi, rồi cho là niết bàn, có thể quá vội.

“Cái đang là” có lẽ còn tương đối, nếu nói “cái đang là” là thực tại, cũng có thể chấp nhận, tuy nhiên cái thực tại này tương đối, vì thực tại này có là do thông qua điều kiện, thí dụ phải có giác quan con người, phải có đối tượng, phải có ánh sáng v.v…chúng ta mới nhận ra “cái đang là”. Chúng ta cũng nói “cái đang là” là “cái bây giờ và ở đây”. Nếu vậy, cái đang là còn bị giới hạn trong không gian và thời gian.

Vậy “cái đang là” là pháp hữu vi, nó hướng tới “chân như”, chân như mới là vô vi, chân như mới đồng với niết bàn.

Bước thứ 1 chủ ý là gom cái tâm lăng xăng loạn động chạy ra bên ngoài. Bây giờ chỉ quan sát thân, thọ, tâm và pháp bên trong mình thôi. Tức là tạm mượn một đối tượng “của mình” để nắm cái tâm lại. Nắm lại bằng cái gì? Bằng cái biết trong sạch, tĩnh lặng, khách quan, kinh nói là “tuệ tri”.

Trong sạch: xem như không có tham, sân, si, hay không có pháp ác (là Giới)

Tĩnh lặng: không giao động lăng xăng (hay là Định trong cuộc đời)

Khách quan: đối tượng thế nào, biết y thế đó (là Tuệ).

Bước 1 xem như tạm lập ra một đối tượng cụ thể để nắm. Nhưng nếu ta nắm hoài thì hóa ra chấp pháp.

Bước thứ 2 phải phá chấp đó. Phá bằng cách nào? Phải thấy tánh sanh diệt của đối tượng, tức là thấy bản thể của đối tượng: vô thường, trống rỗng, trống không, sanh diệt trong từng sát na.

Kết quả mới là: chánh trí là trí của bậc A la hán, cũng là sanh diệt trí, hay diệt trí, và lậu tận trí. Là cảnh giới tâm vắng lặng, niết bàn.

Kết luận:

Đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn”.

Kinh Niệm Xứ nói đây là con đường độc nhất, trong khi các vị Tổ Phát Triển lại nói có 84 ngàn pháp môn. Theo cái thấy thô sơ của mình, có vô số đề mục, hay đối tượng để chọn lựa, để thực hành, như trong bài Niệm Xứ có rất nhiều tiểu mục, và tiểu mục nào cũng đưa tới kết quả cuối cùng giống nhau. Nhưng con đường đi thì là 1, là tuệ tri, rồi quán tánh sanh diệt, và cuối cùng an trú chánh niệm như vậy. Con đường đi là bằng cái Biết trong sạch của chân tâm, phát huy tuệ trí rộng hơn, thâm sâu hơn, cuối cùng là tuệ như như bất động.

Nói ngắn gọn lại,
“Niệm” : con đường độc nhất.
“Xứ” : có 84 ngàn pháp môn, hay 84 ngàn lãnh vực, hay 84 ngàn đối tượng.

Tổ Đình ngày 3- 8- 2023.
TN

NGUỒN : Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời - BÀI 39 TỪ CỔNG TUỆ, tanhkhong.org


Auteur : Triệt Như
Publié le : 12-02-2024 - 22:43