ENSEIGNEMENT  PRATIQUE  QI GONG 
TU HỌC  TU TẬP  KHÍ CÔNG 

Từ cổng Quán



TỪ CỔNG QUÁN


Nói tới Quán, có vài loại Quán hơi khác nhau, trong bài này chỉ xin nói tới loại Anupassanā, nghĩa thông thường là nhìn ngắm hiện tượng thế gian liên tục để nhận ra bản thể hay đặc điểm của hiện tượng thế gian là: vô thường, khổ, vô ngã. Vậy mình cũng có thể hiểu Quán là quan sát hiện tượng thế gian bằng con mắt trí tuệ. Trong giới hạn một bài viết ngắn, mình thu hẹp lại, chỉ giới thiệu phương thức tu Quán trong bài Tiểu kinh Đoạn Tận Ái mà thôi.

Một thời, Thế Tôn ở tại Savatthi (Xá-vệ), Đông Viên (Pubbarama), giảng đường Lộc Mẫu (Migaramatu).

Rồi Thiên chủ Sakka đến tại chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và đứng một bên. Thiên chủ Sakka đứng một bên, bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, nói một cách tóm tắt, đến mức độ nào, một Tỷ-kheo ái tận giải thoát, cứu cánh thành tựu, cứu cánh an ổn, khỏi các khổ ách, cứu cánh phạm hạnh, cứu cánh viên mãn, bậc tối thắng giữa chư Thiên và loài Người?

-- Ở đây, này Thiên chủ, Tỷ-kheo được nghe như sau: "Thật không xứng đáng, nếu có thiên vị đối với tất cả pháp". Này Thiên chủ, nếu Tỷ-kheo được nghe như sau: "Thật không xứng đáng, nếu có thiên vị đối với tất cả pháp", vị ấy biết rõ tất cả pháp. Sau khi biết rõ tất cả pháp, vị ấy biết một cách rốt ráo tất cả pháp. Do biết một cách rốt ráo tất cả pháp, nếu có một cảm thọ nào, lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, vị ấy sống quán tánh vô thường, sống quán tánh ly tham, sống quán tánh đoạn diệt, sống quán tánh xả ly trong các cảm thọ ấy. Vị ấy nhờ sống quán tánh vô thường, sống quán tánh ly tham, sống quán tánh đoạn diệt, sống quán tánh xả ly trong các cảm thọ ấy, nên không chấp trước một vật gì ở đời; do không chấp trước nên không phiền não, do không phiền não, vị ấy chứng đạt Niết-bàn. Vị ấy tuệ tri: "Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, không còn trở lại đời này nữa". Này Thiên chủ, một cách tóm tắt, đến mức độ như vậy, một Tỷ-Kheo ái tận giải thoát, cứu cánh thành tựu, cứu cánh an ổn, khỏi các khổ ách, cứu cánh phạm hạnh, cứu cánh viên mãn, bậc tối thắng giữa chư Thiên và loài Người…

Bài kinh còn dài, nhưng ý nghĩa quan trọng chỉ tóm gọn trong lời dạy này của đức Phật. Đây là một phương thức tu được trình bày thật ngắn gọn, rõ ràng, không cầu kỳ hay phức tạp. Đây là một con đường chính, phổ biến, như một tiến trình phát huy tuệ trí rất mạch lạc, tuần tự của luận lý học:

Bây giờ chúng ta thử suy gẫm thêm về phương thức này, có vẻ như thích hợp với chúng ta, còn là cư sĩ, còn làm việc, có gia đình, có giao tiếp với xã hội, không có nhiều thì giờ tọa thiền hay tham gia các khóa tu nhiều ngày, cũng không đọc nhiều kinh điển.

Cũng trong kinh Nikāya, có nhiều trường hợp các vị tỳ kheo sau khi xuất gia, nhận một đề tài Thiền Quán từ đức Phật hay từ các vị đại đệ tử của đức Phật, vào rừng ẩn tu một mình, tinh tấn, một thời gian ngắn sau, thông suốt, nhận biết mình đã giải thoát: “Sanh đã tận. Phạm hạnh đã thành. Việc cần làm đã làm xong. Sau đời này, không còn đời sống nào khác nữa”. Các vị đến trình với đức Phật, và được đức Phật ấn chứng là A la hán. Các trường hợp này là người có căn lành từ quá khứ rồi.

Còn chúng ta thì sao? Mình đã học Pháp nhiều năm rồi. Qui luật vô thường thiệt là dễ hiểu, cái gì quanh mình cũng luôn luôn thay đổi. Tuy nhiên trong bài Tiểu kinh Đoạn tận Ái, là phải biết vô thường trong các cảm thọ.

Thọ là cửa ngõ dẫn vào tâm. Từ Thọ mới thành lập nên Tưởng. Từ Tưởng sẽ thành lập nên Hành. Từ Hành tiếp tục lập nên Thức.

Thọ chỉ là những cảm giác (sensations) mơ hồ hay cảm nhận (feelings) đơn sơ, chưa là những trạng thái tâm như ở Hành. Tuy vậy, bắt đầu từ Thọ, đã có sự cảm nhận sai biệt, tạm chia ra 3 loại:

Tất cả cảm thọ lại còn có thể chia ra 2 loại:

Chính từ những cảm thọ đơn sơ sai biệt này từ từ khuếch tán ra, được nhận biết rõ hơn, với những mạng lưới phức tạp hơn, từ ký ức ngắn hạn, từ ký ức dài hạn, từ ký ức xúc cảm tung lên nhiều thông tin quanh đối tượng vừa cảm thọ. Ta sẽ nhận biết rõ hơn về đối tượng vừa cảm thọ. Đây là cơ chế Tưởng, được xem như tri giác (perception) hình thành những mạng lưới tên gọi, những mạng lưới liên tưởng hay ấn tượng liên hệ tới đối tượng và cảm thọ. Tất cả những tín hiệu này cấu tạo nên các sắc thái tâm rõ nét, như là những phản ứng của tâm đối với đối tượng và cảm thọ đầu tiên. Đây là phần việc của Hành (mental formation). Tại đây, tâm buồn, vui, tức giận, thương, ghét, phiền não, bao dung…Tất cả các sắc thái tâm đều biểu lộ nơi Hành. Ngày xưa Thầy Thiền Chủ tạm đối chiếu với não bộ, thì cơ chế Dưới Đồi (Hypothalamus) trong hệ thống Viền Não (Limbic system) xem như là nơi biểu hiện tất cả những sắc thái tâm con người. Cuối cùng, những tín hiệu từ Hành sẽ truyền tới Thức (consciousness). Đây là cái Biết rõ ràng, qua những tiến trình tâm suy nghĩ (từ ký ức), suy luận (trí năng), phân biệt và quyết định, niệm biết rõ cuối cùng, gọi là Thức, hay ý thức (consciousness) được xem như phát xuất từ vùng tiền trán bên mặt. Vì cái biết của Thức đã trải qua một tiến trình suy nghĩ, tưởng tượng, suy luận, so sánh, nên cái biết cuối cùng này không còn khách quan, mà nhuộm màu thiên lệch, chủ quan rồi. Sự thiên lệch chủ quan bắt nguồn từ cảm thọ đầu tiên.

Do vậy, đức Phật hướng dẫn chúng ta phải tỉnh thức từ Thọ. Tỉnh thức để không dính mắc với Thọ khi tiếp xúc với đối tượng. Nếu dính mắc vào Thọ thì: "Thật không xứng đáng, nếu có thiên vị đối với tất cả pháp".

Chúng ta thường hay có cảm thọ: thích hay không thích trước đối tượng. Như vậy là mình đã thiên lệch, thiên vị đối với pháp rồi. Mình chưa thấy tất cả pháp đều bình đẳng.

Tại sao tất cả pháp đều bình đẳng? Chắc chúng ta sẽ trả lời ngay: Tất cả pháp đều bình đẳng vì đều vô thường, có sanh phải có diệt, bản thể trống rỗng, trống không vv…Ai cũng biết điều đó mà sao mình vẫn dính mắc? A thì ra chỉ có tâm mình là chưa bình đẳng thôi, các bạn ơi!

Hôm nay, mình gởi tặng các bạn 4 chữ thần kỳ “Thọ là vô thường”, để mở cửa kho tàng châu báu trí tuệ, hạnh phúc vô thượng, giống giống như Alibaba ngày xưa gọi: “Sesame, ouvre- toi!” là mở toang cửa kho tàng của 40 tên trộm thành Baghda vậy.

Tổ Đình, 2- 8- 2023
TN

NGUỒN : Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời - BÀI 38 TỪ CỔNG QUÁN, tanhkhong.org


Auteur : Triệt Như
Publié le : 02-02-2024 - 17:17