ENSEIGNEMENT  PRATIQUE  QI GONG 
TU HỌC  TU TẬP  KHÍ CÔNG 

Không có cổng nào



KHÔNG CÓ CỔNG NÀO



Qua loạt bài thảo luận về những phương cách thực hành Thiền phổ thông: Giới, Quán, Tuệ và Định vừa qua, chúng ta nhận ra có những điểm khác biệt giữa chúng, cho nên Phật và Tổ mới phân loại, như thế nào là Giới, hay là Quán, là Định hay là Tuệ.

Tuy nhiên mình cũng thấy chúng có chỗ tương đồng. Đó là tất cả đều đặt nền tảng trên cái Biết, cũng là cái Tâm. Mình nói một chữ Tâm thôi, có nghĩa là cái tâm gốc của mình, ban sơ, nguyên chất. Mình cũng nói một chữ Biết, cái Biết lóe sáng đầu tiên qua giác quan, trong sáng, tĩnh lặng, trung thực, tự nhiên, khách quan.

Như vậy, các phương cách tu tập đều lưu xuất từ cái Tâm này, đều sử dụng cái Biết này thì mới hiển lộ những tiến trình phát huy trí tuệ tâm linh.

Trong thực tế, mỗi người chúng ta căn cơ khác nhau, có người nhiều nhiễm bụi đời, có người ít bị ô nhiễm, nên Phật và Tổ phải diễn bày ra cụ thể nhiều con đường tu học. Rất nhiều giới để gìn giữ, nhiều điều luật để xử phạt người sai phạm, nhiều sự thật của cuộc đời phải hiểu để sống thuận theo, phải giữ tâm bình thản trước những sóng gió thay đổi của thế gian. Tất cả những phương cách đó đều do hoàn cảnh mà thiết lập nên, chúng ta có thể tạm xem là tục đế bát nhã, là phương tiện, là con đường hay là pháp môn tu. Pháp môn thì có rất nhiều, ai thích hợp cái nào thì tu học theo cái đó, miễn là mỗi người thành tâm, kiên trì thì cũng sẽ có kết quả tốt như nhau.

Từ xưa tới nay, đa số chúng ta đều theo phương hướng tu học này, từng bước tiến lên, có thứ lớp, khi thì trình bày tổng quát, khi thì trình bày chi tiết rõ ràng.

Tổng quát như con đường của:

Chi tiết hơn một chút như:

Chi tiết tỉ mỉ và hệ thống rõ ràng như:

Trên đây chúng ta chỉ đưa ra một số thí dụ điển hình những phương thức tu tập có thứ lớp rõ ràng, thường thích hợp với đa số người bình thường. Cho tới khi chúng ta kinh nghiệm tâm trở nên thuần, tương đối không dính mắc vào thế gian nhiều nữa, mà chúng ta chỉ quay vào bên trong chính thân và tâm của mình thôi. Quan sát nó đang như thế nào, cảm thọ hay ý nghĩ khởi lên rồi tan biến, tâm tĩnh lặng ra sao?

Bây giờ chúng ta từ lần cảm nhận tâm nhẹ nhàng, trong sáng, không có pháp ác hay bất thiện khởi lên. Tâm sẽ tĩnh lặng, trống rỗng, sâu thẫm hơn nữa. Và rồi tâm sẽ phát huy năng lực tự nhiên của nó: nhận biết tức khắc đối tượng không thông qua suy nghĩ hay suy đoán, mình xem như là trực giác, biết tức khắc và chính xác, có khi biết trước thời gian hay vượt cả không gian. Tâm không còn phân biệt ta và người, nó đã có cái thấy bình đẳng, đồng thời cái ngã tan biến.

Không còn băn khoăn lo nghĩ nữa, tâm và thân nhẹ nhàng, sức khỏe phục hồi, hài hòa. Gia đình cũng hài hòa, cộng đồng sống bình an.

Trải qua một chặng đường dài, tu học, thực hành kiên nhẫn, chúng ta mới có kinh nghiệm cái Tâm thật của chính mình. Bây giờ mới biết cái tâm đó quả thật là của mình, tự bao giờ nó vẫn có đó. Mình chỉ buông hết những cái gì của cuộc đời mang tới, như tài sắc danh thực thùy…tự nhiên cái chân tâm hiển lộ ra thôi. Những pháp ác, như tham sân si, cũng từ thế gian khiến ta dính mắc, chúng nó không có trong chân tâm. Mỗi phút giây sống, mình luôn quan sát tâm mình, không có niệm tham ái khởi lên, thì biết tâm cũng không có niệm sân và si.

Bước này chúng ta tỉnh thức bằng trí tuệ, hiểu biết hết thảy 6 căn, 6 trần và 6 thức làm thành nên hiện tượng thế gian, đều là hữu vi, có sanh ra thì có chuyển hóa, có diệt mất, lại có tái sanh. Bản thể của thế gian là trống rỗng, trống không, là như huyễn mà thôi. Tuệ trí này là năng lực khiến tâm xa rời dính mắc tất cả thế gian, bấy giờ mới an trú chánh niệm Như Vậy.

Khi mình có tuệ trí thông suốt bản thể thế gian rồi thì không còn con đường, không cần pháp môn, không còn thấy có cổng nào nữa. Mình thực sự đang ở trong nhà của mình, tự thuở nào cho tới bây giờ.

Thiền viện, 17- 9- 2023

TN

NGUỒN : Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời - 41 KHÔNG CÓ CỔNG NÀO, tanhkhong.org


Auteur : Triệt Như
Publié le : 07-03-2024 - 23:19