ENSEIGNEMENT  PRATIQUE  QI GONG 
TU HỌC  TU TẬP  KHÍ CÔNG 

Tâm trong đạo Phật



Nghĩa của Tâm rất tổng quát vì nó trừu tượng, nhưng nếu ta không hiểu rõ ràng thì khó mà tiến tu.

Tâm không phải là trái tim. Bây giờ mình biết tâm phát xuất từ não bộ.

CÁC LOẠI TÂM

Có 3 thứ tâm : Tâm phàm phu, Tâm bậc thánh và Tâm Phật.

image 1

I. TÂM PHÀM PHU

nằm ở vùng tiền trán, gồm có ý thức ở bên phải, ý căntrí năng ở bên trái. Trí năng là công cụ của ý thức và ý căn.

  1. Ý thức : pali : Vinnana, sa: Vijnana. Trong kinh không xài từ ý thức mà dùng từ thức. Vij : chia 2, nàna : trí. Vijnàna : trí hiểu biết mà có 2 bên, tâm 2 bên, tâm nhị nguyên. Vì vậy thức luôn luôn phân biệt, so sánh. Muốn phân biệt, so sánh thì phải có 2 hay nhiều đối tượng. Thí dụ khi nó nói tốt là hàm ý có xấu… Thức dính mắc trong hiện tại vì có đối tượng của giác quan, vì vậy nó được xếp là Tâm hiện tại.

  2. Ý căn : Trong kinh gọi là ý. pali : mano, sa: manas. Nó thường bươi móc chuyện trong quá khứ nên được gọi là Tâm quá khứ. Chức năng chính của nó là suy nghĩ, tính toán.

  3. Trí năng : Trí năng sắc bén, thường dính mắc vào tương lai nên được gọi là Tâm tương lai. Nó thường suy luận, suy đoán, vẽ vời cho tương lai.

Kinh Kim Cang gọi 3 vùng này là tâm 3 thời : tâm quá khứ, tâm hiện tại và tâm tương lai. Trong Kinh Kim Cang có nói : tâm quá khứ không thể được (bất khả đắc), tâm hiện tại không thể được, tâm tương lai không thể được, phủ nhận tâm 3 thời vì nó luôn luôn biến đổi, không thể nắm bắt được, vì bên dưới nó có mớ lậu hoặc / tập khí, kiết sử, tùy miên.

Lậu hoặc / tập khí là những gì đã được huân tập từ quá khứ đến nay. Nó là những đam mê, ghiền nghiện tích lủy trong tâm mình, thúc đẩy mình tạo nên ý nghiệp, lời nghiệp, thân nghiệp. Có 4 thứ lậu hoặc : vô minh lậu, dục lậu, hữu lậu và kiến lậu. Chúng tạo thành những điều ô nhiểm trong tâm.

Kiết sử là những điều trói buộc tâm, gồm những nề nếp, truyền thống, giáo điều từ gia đình, xã hội, tập thể, dân tộc. Những điều này có khi tốt, có khi không, nhưng nó bắt buộc con người phải làm đúng theo nề nếp, gia phong của gia đình, tổ tiên, cho nên con người không có tự do, không được sống thoải mái vì những trói buộc của kiết sử.

Tùy miên là những xúc cảm, tình cảm ngủ ngầm ở trong tâm mà mình không hay biết. Nó luôn luôn tác động, ray rức tâm mình, giết lần giết mòn con người. Tâm mình bị nó chủ động, điều động, trở thành phiền não nên bị gọi là vọng tâm.

Trong kinh điển vọng tâm được gọi là tâm (Citta), mà ý, thức hay trí năng cũng được gọi là tâm. Khi trong kinh nói tâm như con khỉ, con vượn chuyền cành, không lúc nào ngừng nghỉ là nói tới ý hay thức. Đôi khi Phật nói tâm như người thợ vẽ, vẽ vời cảnh thế gian là muốn nói tới trí năng.

Đức Phật cũng dùng từ : "hồ nước đục, cái bị sanh" để chỉ vọng tâm. Hể bị sanh thì sẽ bị diệt vì nó thay đổi luôn luôn. Vọng tâm dính mắc với quá khứ, hiện tại và tương lai, nên tâm luôn luôn dao động, đầy phiền não, tâm xúc cảm nổi lên hoài, không có an lạc, trí tuệ chỉ là trí thế gian. Vọng tâm luôn luôn tạo 3 nghiệp : thân, lời và ý, nên mình bị luân hồi sinh tử triền miên.

image 1

II. TÂM BẬC THÁNH

Tâm bậc thánh nằm ở phía sau bán cầu não trái, gồm có 3 tánh :

Tâm này cũng gọi là Citta.

Khi Đức Phật bỏ nhà ra đi, Ngài đã nói : Ta đã lở bị sanh, bây giờ ta đi tìm cái vô sanh. Cái vô sanh là một tên của vùng này. Còn nhiều tên khác nữa : hồ nước trong, tánh giác, chân tâm, bạch tịnh thức, bản lai diện mục

Cái gì làm cho tâm phàm phu vẩn đục ? Lậu hoặc.

Khi thực hành Thiền mà tác động được vào 1 trong 3 tánh thì mình sẽ cô lập được lậu hoặc, kiết sử, tùy miên. Chúng sẽ không khởi lên được nhưng vẫn còn tiềm ẩn bên dưới. Tùy theo sức dụng công của mình, từ từ mình sẽ loại bớt chúng. Khi mình kinh nghiệm được một trong 3 tánh là mình đã bước vào phương thức của Định rồi, vì đây là chỗ Biết Không Lời. Còn ở vùng tiền trán là cái Biết Có Lời.

Khi mình kinh nghiệm được Tánh Giác thì mình có được những kết quả dưới đây, trong 1 mức giới hạn :

Kết quả sinh lý :

Trước hết mình cô lập, đào thải từ từ được lậu hoặc, kiết sử, tùy miên. Đi tới chỗ Biết Không Lời, Thầm Nhận Biết thì tâm mình tĩnh lặng, thanh thản. Nó tác động vào Đối giao cảm thần kinh, Acétylcholine được tiết ra làm: - Thân khinh an - Bịnh tâm thể (huyết áp, cholestérol, đường trong máu, nhịp tim..) được điều chỉnh - Gan và nội tạng được phục hồi

Kết quả vật lý:

Trí tuệ tâm linh được phát huy từ từ

III. TÂM PHẬT

Tâm Phật là trạng thái tâm của Đức Phật khi thành đạo trong từng định thứ tư. Đây là tánh Nhận Thức Biết Không Lời, còn được gọi là Tâm Như, Tâm Tatha. Từ tâm này Phật tánh hay Tiềm Năng Giác Ngộ phát huy, gọi là Huệ tự phát hay Huệ Bát Nhả. Đây là 1 tiến trình lâu dài : từ tâm bậc thánh đã có 1 chút Huệ Bát Nhả rồi. Huệ này phát huy nhiều và sâu sắc hơn ở chỗ tánh Nhận Thức Biết. Trong Huệ này có :

  1. Trực giác : trí sắc bén, khi giác quan tiếp xúc với đối tượng tâm nhận biết tức khắc. Đó là chức năng kiến giải của vùng Nhận Thức Biết. Về sau trực giác này sâu sắc hơn, nó có thể kiến giải vượt không gian và thời gian. Đó là khả năng kỳ diệu mà mình gọi là Phật tánh phát huy.

  2. Từ trường bật ra : đầu tiên là từ trường tâm Bi, rồi tâm Từ, tâm Hỷ, tâm Xả. Từ trường này phát huy từ từ theo sự dụng công của mình ở trong Định, là kết quả của Định. Bốn tâm này tự động bật ra từ tánh Nhận Thức Biết nên vô điều kiện và phát triển tới vô lượng nên được gọi là Tứ vô lượng tâm. Còn chúng ta ở trong tâm phàm phu mà tập thì Từ, Bi, Hỷ, Xả có ranh giới, có phân biệt, đắn đo suy nghĩ.

  3. Sáng tạo : Huệ tự phát có tánh sáng tạo. Nó không cần học hỏi, kinh nghiệm gì nữa mà luôn luôn có sáng tạo hoàn toàn mới lạ và có những sáng kiến mới trong mọi ngành nghề chứ không phải chỉ ở trên đường tâm linh thôi.

  4. Biện tài : Sự nói năng lưu loát, thuyết phục, thuyết giảng mà không chướng ngại gọi là biện tài vô ngại.

Các vị có thể làm việc phục vụ cho đời trong tinh thần vị tha trên con đường Bồ tát đạo. Các vị có làm, có suy nghĩ nhưng tất cả đều ở trong Tiềm Năng Giác Ngộ nên các vị không tạo ra nghiệp xấu, chỉ có công đức mà thôi. Các vị tự tại khi còn sống và tự tại khi ra đi. Dù cho các vị có muốn tái sanh để thừa hành Bồ tát đạo thì các vị tái sanh theo hạnh nguyện chứ không bị nghiệp lực dẩn dắt. Tới đây các vị được thoát khổ (thân tâm hài hoà), giác ngộ (trí tuệ tâm linh phát huy) và giải thoát (tự tại, không bị gì trói buộc).

CON ĐƯỜNG TU TẬP

Ba thứ tâm vừa kể trên là 3 cơ chế trong não bộ của mình. Chỉ có con người mới đầy đủ 3 cơ chế đó, mới có thể tu tập để được giác ngộ.

Mình tu mình phải hiểu rõ tâm của mình. Các Tổ Trung hoa dạy chăn trâu là chăn con trâu (tâm) của chính mình thôi. Trâu của người khác để họ chăn.

Lục Tổ viết 2 câu trong Pháp Bão Đàn Kinh :

Nếu thấy lỗi của người khác Thì lỗi của mình đã đến một bên rồi.

Theo Tương quan nhân quả, mình cũng có lỗi trong những việc xảy ra chứ không phải mình hoàn toàn vô tội, thành ra học về tâm mình cũng phải hiểu như vậy để thực hành.

Bây giờ mình còn nói hoài, còn thích ở nhà đẹp, ăn ngon…thì mình còn Lậu hoặc, mình đang đứng ở tâm phàm phu, còn dính mắc đủ thứ. Lậu hoặc có năng lực rất mạnh, vì nó là cái mình ghiền, nó thúc đẩy tâm, ý, thức làm việc theo hướng nó thích. Trong dục lậu có ngũ dục : tài, sắc, danh, thực, thùy. Mình dính cái nào thì bị cái đó đẩy mình suy nghĩ, hành động theo chiều hướng của nó. Nó vi tế lắm, sai sử mình mà mình không hay.

Khi mình tới đây học Thiền, tạm cho là mình có Trí năng tĩnh ngộ, mình muốn tới tâm bậc Thánh hay tâm Phật. Nếu về nhà mà tiếp tục thực hành thì tốt. Còn về nhà mà bị chuyện nọ, chuyện kia lôi cuốn rồi buồn khổ thì chưa thật tĩnh ngộ. Con đường tâm linh của mình là đi từ Trí năng tĩnh ngộ tới tâm Phật. Con đường này khó đi lắm, mình có thể rơi xuống vũng bùn của Lậu hoặc bất cứ lúc nào. Phải nhớ mình là cây sen, vì mình có Phật tánh, Tiềm năng giác ngộ, mà để rơi xuống bùn, càng quậy càng chìm sâu, ở hoài trong luân hồi sinh tử.

Mình đang ở bờ bên này, bờ của phiền não, khổ đau, luân hồi sinh tử, làm sao đi tới bờ bên kia, bờ của thoát khổ, giác ngộ và giải thoát ?

Đức Phật thấy chúng sinh lặn hụp trong biển luân hồi sinh tử. Chính Ngài cũng ở đó lâu rồi và đã thoát ra được, cho nên Ngài dạy chúng ta 4 phương tiện để qua khỏi luân hồi sinh tử: Quán, Chỉ, Định, Huệ.

Con đường Thiền rất khó đi, dễ rớt xuống biển sinh tử lắm :

Tất cả những trường hợp vừa kể đều làm mình rớt xuống biển sinh tử.

Thuận duyên chưa chắc là tốt mà nghịch duyên cũng chưa chắc là xấu. Xấu hay tốt là do nơi mình thôi. Nếu mình chưa tĩnh ngộ thì khi gặp chuyện mình lại rơi vào tâm đời, tâm thế gian. Còn nếu mình tĩnh ngộ triệt để, thông hiểu và chấp nhận qui luật vô thường, xung đột và vô ngã thì mình bước qua tâm bậc thánh liền và dụng công để tiến tới chứ không thoái chuyển.

Trên đường đi mình sẽ gặp rất nhiều thử thách, do tương quan nhân quả của đời này hay từ đời trước. Mình phải vượt qua để tiến lên, để chuyển nghiệp.

Đức Phật còn dạy phải hạn chế nhân duyên thế gian và tri kiến thế gian để đi cho vững chắc. Nhân duyên thế gian và tri kiến thế gian tô bồi cho lậu hoặc.

Sau cùng, nếu hành Thiền mà còn có lời hoài, còn dùng cái Biết có lời thì mãi mãi còn ở bờ bên này, dù cho có trí năng tĩnh ngộ. Ai dạy Thiền mà hướng tới Tánh Giác, khai triển và áp dụng 4 tiến trình Biết của Tánh Giác: Biết Không Lời, Thầm Nhận Biết, Tỉnh thức Biết, Nhận thức Biết, mới đi tới chỗ phát huy trí tuệ tâm linh và mới mong tới được bờ bên kia.

Ni Sư Triệt Như

Minh Từ ghi lại từ DVD, 30.3.2012


Auteur : Triệt Như
Publié le : 18-05-2022 - 08:19