ENSEIGNEMENT  PRATIQUE  QI GONG 
TU HỌC  TU TẬP  KHÍ CÔNG 

Xâu chuỗi Bồ Đề của Tỳ Kheo



Sau khi quan sát xâu chuỗi bồ đề của Đức Phật, bây giờ chúng ta thử xem Đức Phật đã hướng dẫn chư Tỷ kheo đệ tử của mình tu tập như thế nào?

Bài này căn cứ trên bài Đại kinh Xóm Ngựa, từ Trung bộ kinh.

Bước 1: Nghe pháp- Xuất gia : Nhân duyên đầu tiên là từ việc được nghe pháp do Đức Phật giảng dạy trực tiếp. Có khi tự ý đến nghe Đức Phật giảng, khi Đức Phật và tăng đoàn du hành tới thôn làng hay thành phố của mình. Nếu là ngoại đạo, có khi tới với ý muốn tranh luận, nhưng cuối cùng bị thuyết phục rồi tự nguyện xuất gia hay quy y với Đức Phật. Cũng có trường hợp nghe các vị đại đệ tử trong Tăng hay Ni đoàn của Đức Phật giảng rồi cũng xuất gia trong Pháp và Luật của Đức Phật.

Bước 2: Thọ đại giới : Sau khi xuất gia xem như đặt mình vào Pháp và Luật của Đức Phật. Tức là cắt hết nhân duyên gia đình và thế gian, vào rừng núi hoang vu ẩn tu, sau khi nhận một chủ đề do Đức Phật dạy.

Bước 3: Hạnh tàm quý : Trong bài Đại kinh Xóm ngựa, Đức Phật kể Giới trước nhất, xem như việc quan trọng của người tỷ kheo. Những lỗi lầm quan trọng thì phải sám hối trước tăng chúng, ngay cả những lỗi không ai biết, tự mình cũng phải hổ thẹn ăn năn và quyết tâm không tái phạm.

Bước 4: Thân- Lời- Ý- Sanh mạng thanh tịnh : Phải luôn luôn thận trọng giữ gìn hành động, cử chỉ, lời nói hữu ích cho mình và cho người khác, đúng với sự thật, trong sạch không có lỗi lầm.

Bước 5: Tiết chế ăn uống : Ngay cả việc ăn uống cũng phải biết giới hạn, không tham đắm. Phải biết thức ăn uống là để trị bệnh ốm gầy, không phải để vui chơi phung phí.

Bước 6: Chú tâm cảnh giác : Ngày và đêm luôn luôn quan sát tâm mình, không cho suy nghĩ tới điều ác hay bất thiện. Tới đây vẫn phải dùng ý thức sáng suốt phân biệt cái nào đúng, cái nào sai. Khi nào làm khổ người khác là sai, khi nào làm cho tham, sân, si tăng trưởng là bất thiện.

Bước 7: Chánh niệm tỉnh giác : Lúc nào cũng giữ cái Biết rõ ràng khách quan. Mình đang đi, biết đang đi, đang ăn, biết đang ăn, đang nói, biết đang nói v.v...Không cho tâm mình phóng về quá khứ hay phóng tới tương lai, cũng không phóng ra vướng mắc trong hiện tại.

Bước 8: Đoạn trừ năm triền cái : Qua 7 phương thức tu tập trên, miên mật thực hành, ngày đêm gìn giữ tâm ý trong sạch, dù cho còn suy tư, còn phân biệt phải trái, nhưng lời nói, cử chỉ đều nhu hòa, không tạo nghiệp xấu ác. Do đó tâm bắt đầu bình an, thanh thản, vui mừng vì biết rõ mình đã chấm dứt phiền não, đã thấy rõ con đường sáng trước mắt. Năm chướng ngại trên con đường tu không còn nữa: tham, sân, hôn trầm thụy miên, trạo hối và nghi. Năm chướng ngại này từ bao đời đè nặng trên vai mình, bây giờ đã đặt gánh nặng đó xuống, trong tâm vui mừng. Kinh so sánh như người đã trả hết một món nợ lớn, hay thoát khỏi một cơn bệnh nặng, hay đã ra khỏi ngục tù, hay thoát khỏi kiếp làm nô lệ, hay như đã vượt qua bãi sa mạc nguy hiểm. Nỗi vui mừng của những người này tương tự nỗi vui mừng của vị tỷ kheo biết mình đã chấm dứt năm triền cái vậy. Và đây chính là trạng thái tâm của tầng thiền thứ 1.

Bước 9: Tầng thiền thứ 1 : Vẫn còn có lời thì thầm trong tâm, nhưng tâm trong sạch, và hoàn toàn hỷ lạc, do biết rõ mình đã: “ly dục, ly pháp bất thiện”.

Bước 10: Tầng thiền thứ 2 : Chấm dứt lời thì thầm, đạt được trạng thái hoàn toàn tĩnh lặng. Tâm càng hỷ lạc hơn nữa. Do Định sanh ra thêm hỷ lạc.

Bước 11: Tầng thiền thứ 3 : phát triển tâm Định rộng hơn và sâu sắc hơn. Do đó cảm thọ hỷ không còn, chỉ còn lạc, là niềm vui nhẹ nhàng.

Bước 12: Tầng thiền thứ 4 : Tâm bất động, hoàn toàn tĩnh lặng, khách quan, trống rỗng.

Bước 13: Chứng ngộ Ba minh : Tiềm năng giác ngộ phát triển kiến giải Ba trí tuệ siêu vượt:

Bước 14: Chứng ngộ quả vị A la hán : Vị Tỷ kheo bấy giờ khẳng định mình sẽ chấm dứt tái sanh. Sau đó được Đức Phật xác nhận là A la hán.

Bước 15: Đi giáo hóa : Bấy giờ Đức Phật khuyến khích những vị A la hán chia nhau đi khắp nơi giáo hóa người cư sĩ và người dân. Thời đó, vị A la hán được xem là hưởng cảnh “hữu dư niết bàn” hay “hữu dư y niết bàn” tức là còn thân sống nhưng tâm đã an trụ niết bàn.

Bước 16: Nhập Niết bàn: Khi ra đi, vị A la hán nhập “vô dư niết bàn” hay “vô dư y niết bàn”. Tức là không còn tái sanh trong bất kỳ cảnh giới nào của 6 đường luân hồi. Gọi là hoàn toàn giải thoát.

Con đường tu của các vị tỷ kheo thời Đức Phật còn tại thế, tới đây xem như hoàn mãn. Tâm hoàn toàn trong sạch, không còn lậu hoặc nên không còn tái sanh. Các vị làm chủ cuộc sống của mình, muốn ra đi lúc nào tùy ý. Nhiều vị đạt những quyền năng phi thường. Nhiều vị phát huy biện tài vô ngại khi giảng pháp. Đây là A la hán đạo, con đường dẫn tới thành quả A la hán.

Xâu chuỗi bồ đề A la hán đạo có 16 hột bồ đề. Còn cái sợi chỉ màu đỏ xuyên suốt con đường đi, mình có thể xem như là cái gì? Chúng ta thử đối chiếu lại với xâu chuỗi bồ đề của Đức Phật, có điểm nào giống và điểm nào khác?

Tổ Đình, ngày 18- 2- 2021

Triệt Như

Nguồn : tanhkhong.org


Auteur : Triệt Như
Publié le : 23-05-2022 - 07:55