ENSEIGNEMENT  PRATIQUE  QI GONG 
TU HỌC  TU TẬP  KHÍ CÔNG 

Xâu chuỗi Bồ Đề của Đức Phật



Hôm nay nhân dịp năm mới, chúng ta thử đúc kết lại từng giai đoạn của con đường mà Đức Phật Thích Ca đã thực sự đi và đạt tới quả vị cuối cùng của sự giác ngộ và giải thoát. Mình không nói tới vô lượng kiếp quá khứ mà ngài đã trải qua tích lũy vô lượng công đức và phước báu. Tuy đây cũng là nhân duyên quan trọng, nên ngài đã là một bậc thượng căn, trong giới hạn của bài này, chúng ta chỉ ôn lại các chặng đường tu tập của ngài trong đời này mà thôi.

Bước 1: Tỉnh ngộ triệt để qui luật Vô thường của cuộc đời : Sống trong hoàng cung, xa hoa, vui đùa, cách biệt với những cảnh đời nghèo nàn khốn khổ của người dân, nên trong lúc bất chợt thấy cảnh người già yếu, cảnh người bệnh tật, cảnh người vừa mới chết, ngài bị chấn động trong tâm. Thương người, thương mình, biết một cách chắc chắn rằng một ngày nào chính mình cũng sẽ già, bệnh và chết giống y như vậy. Đây là sự tỉnh ngộ với trí tuệ, là động lực quan trọng nhất, trong suốt những chặng đường tu sau này. Mỗi khi nhận biết mình đã sai lầm, ngài đổi hướng đi, theo sự hướng dẫn của trí tuệ.

Bước 2: Biết rõ mục tiêu : Trong bài kinh Thánh Cầu, ngài có nói rõ: “Tìm cầu cái vô sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn.” Bấy giờ thực sự ngài chưa biết “cái không sanh, không già, không bệnh, không chết, không sầu, không bị ô nhiễm” là cái gì. Thời đó, có rất nhiều môn phái tu chủ trương khác nhau, sau này khi đã giác ngộ, ngài mới chắc chắn đó đều là tà kiến. Tuy vậy lúc đó ngài đã nêu rõ hướng đến của mình phải là: đạt được cái trạng thái thoát ra mọi nỗi khổ của sanh, già, bệnh, chết, đó là niết bàn.

Bước 3: Xuất gia : Trong bài Đại kinh Saccaka, ngài đã kể lại:

“Rồi này Aggivessana, sau một thời gian, khi Ta còn trẻ, niên thiếu, tóc đen nhánh, đầy đủ huyết khí của tuổi thanh xuân, trong thời vàng son cuộc đời, mặc dầu cha mẹ không bằng lòng, nước mắt đầy mặt, than khóc, Ta cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

Ta xuất gia như vậy, một người đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ.”

Ngài đã có quyết tâm sắt thép, khi từ bỏ tất cả những gì mà người đời tranh đua, tham đắm, muốn chiếm đoạt.

Theo hệ Theravàda, sau này, tiếp tục giữ gìn đúng theo truyền thống của Đức Phật, đã chủ trương muốn đạt tới hoàn toàn giác ngộ, thoát khổ, giải thoát, điều kiện quan trọng là phải xuất gia. Đó là sự tỉnh ngộ đầu tiên, rời xa gia đình, quyến thuộc, cắt hết những sợi dây ràng buộc của ái dục, dứt khoát đi vào rừng núi hoang vắng ẩn tu sau khi xuất gia.

Bước 4: Tìm thầy : Sau một thời gian ngắn tu tập với hai vị thầy nổi tiếng dạy 4 tầng Thiền Vô sắc, ngài cũng đạt và an trú trong đó như 2 vị thầy. Nhưng nhận thấy 4 tầng Thiền Vô sắc này vẫn chưa dẫn đến trạng thái tâm tịch diệt, thanh thản, niết bàn, như mục tiêu của mình. Một lần nữa, với trí tuệ, ngài từ bỏ 4 tầng Thiền Vô sắc và ra đi, tìm pháp tu khác, mặc dù ngài vẫn kính trọng đức hạnh của hai vị thầy.

Đây là một sự kiện quan trọng, chúng ta nên lưu ý. Trong kinh Nikàya bên cạnh những bài kinh nói qua 4 tầng Thiền, Đức Phật chứng ngộ Ba Minh, lại có những bài kinh nói đến 9 tầng Thiền, và lại xếp 4 tầng Thiền Vô sắc của Yoga cao hơn 4 tầng Thiền của chính Đức Phật và thêm tầng Diệt tận định làm tầng thiền cao nhất. Đây có thể là một nghi vấn lịch sử, cho tới nay dường như chưa có vị tôn đức nào nêu ra.

Bước 5: Tu khổ hạnh : Sau khi từ bỏ 4 tầng Thiền Vô sắc, ngài lang thang trong khu rừng Uruvela và gặp nhóm 5 vị đạo sĩ tu khổ hạnh. Ngài đã hành hạ thân mình tới mức tối đa, tiết chế ăn, uống, mặc, ngủ, nghỉ. Kết quả sau 6 năm khổ hạnh, sức khỏe kiệt quệ, đứng lên thì té xuống, mà trí huệ không thấy phát huy, niết bàn cũng chưa chứng ngộ. Ngài biết là phương pháp khổ hạnh tối đa là sai lầm, nên quyết định chấm dứt khổ hạnh. Ngài trở lại khất thực để phục hồi sức khỏe.

Bước 6: Kinh nghiệm hồi thơ ấu : Bấy giờ qua 6 năm gian khổ với 2 pháp tu Thiền vô sắc và Khổ hạnh đều thất bại, trong cơn bế tắc, ngài chợt nhớ lại một kinh nghiệm thời thơ ấu. Kinh nghiệm tâm hoàn toàn tĩnh lặng, thân nhẹ nhàng khinh an, và cảm thọ hỷ lạc khắp toàn thân, trong một ngày lễ Hạ Điền tham dự cùng vua Tịnh Phạn. Ngài thực hành trở lại kinh nghiệm đó và ngài cũng đạt tới kết quả y như cũ. Bấy giờ ngài quyết định sẽ bắt đầu trở lại phương thức này, thực hành miên mật để đạt tới những kết quả sâu sắc hơn. Ngài chọn một khu rừng hoang, có nhiều cây cổ thụ, không thú dữ cũng không làng xóm. Và bắt đầu cuộc hành trình tâm linh- không thầy- không bạn.

Bước 7: Tầng Thiền thứ nhất : có đặc điểm là: có tầm có tứ, có hỷ lạc do ly dục, ly pháp bất thiện. Bấy giờ ngài nhận thức rõ rằng tại sao lúc còn thơ ấu, mình đã đạt được tâm tĩnh lặng và hỷ lạc dễ dàng ? - Vì khi ấy là một đứa trẻ thơ ngây, chưa va chạm với đời, tâm trong sáng, thanh thản. Vừa ngồi xuống thở vào thở ra là tâm hoàn toàn thanh thản. – Còn bây giờ, ngài đã 35 tuổi, tại sao cũng đạt được dễ dàng tâm trong sáng tĩnh lặng như xưa ? – Tự biết giờ đây tâm mình cũng trong sáng thanh thản như hồi thơ ấu.

Vì thế, trạng thái tâm thanh thản, hỷ lạc là đặc điểm của tầng thiền thứ nhất. Ngài còn nhấn mạnh thêm: niềm vui đó có vì biết mình đã rời xa các pháp ác, bất thiện.

Bước 8: Tầng Thiền thứ hai : đặc điểm là: không tầm không tứ, hỷ lạc do định sanh. Ngài tiến lên chấm dứt lời thì thầm trong tâm không có gì khó khăn. Niềm hỷ lạc cũng hiện hành và ngài biết đó là do tiến trình Định sanh ra. Ta có thể mượn khoa học giải thích sự hỷ lạc này. Khi tâm yên lặng, tín hiệu sẽ tác động vào đối giao cảm thần kinh, đầu dây đối giao cảm tiết ra thần kinh dẫn truyền Acetylcholine, khi truyền tới cuống não sẽ tiết ra thêm Acetylcholine, tiết ra Serotonin, Melatonin, Dopamine... Những chất sinh hóa học này làm cho thân nhẹ nhàng, thoải mái, tâm vui vẻ phấn khởi.

Bước 9: Tầng Thiền thứ ba : ly hỷ trú xả mà các bậc thánh gọi là xả niệm lạc trú.

Ngài tiếp tục an trú trong trạng thái thanh thản đó, bấy giờ niềm vui trở nên trầm lắng hơn.

Bước 10: Tầng Thiền thứ tư : xả niệm thanh tịnh.

Ngài chìm sâu trong trạng thái vắng lặng, vượt qua tất cả cảm thọ. Tức là cảm thọ không khởi lên nữa. Ngài đạt được hoàn toàn bất động, cả thân cả tâm và cả cảm thọ cũng bất động. Thuật ngữ gọi là Tam hành bất động. Đó là:

Bước 11: Chứng ngộ Ba Minh : Túc mạnh minh, Thiên nhãn minh và Lậu tận minh.

Chính trong trạng thái ba hành không động này, tâm hoàn toàn trống rỗng, hoàn toàn vắng lặng. Chỉ có cái nhận thức trong sạch, trong sáng, khách quan, không in một dấu vết nào trong đó. Cái nhận thức hoàn toàn trống rỗng, không có cảm thọ, bên trong thân, tâm hay bên ngoài. Nó chỉ nhận thức chính nó. Bấy giờ ngài mô tả:

“Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, ta dẫn tâm, hướng tâm đến Túc mạng minh...”....Thiên nhãn minh...Lậu tận minh....”

Trong minh thứ ba, ngài nhận ra nguyên nhân nỗi Khổ của con người là Lậu hoặc, là tham ái, do đó muốn thoát khổ, phải tu tập 8 phương thức / Bát chánh đạo.

Bước 12: Quả vị A la hán : Đồng thời bấy giờ, ngài nhận ra mình đã dứt hết lậu hoặc, nên biết rõ mình sẽ không tái sanh nữa. Ngài biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm xong. Sau đời này không trở lại.”

Sự chứng ngộ này gọi là ABHISAMAYA. Tuy nhiên tới đây con đường đi chưa xong.

Bước 13: Chứng ngộ Lý Duyên Khởi : một thời gian ngắn sau đó, ngài vẫn còn ở tại Bồ Đề đạo tràng, ngài đã chứng ngộ tất cả những qui luật điều hành vũ trụ và con người, đó là định luật Duyên khởi – Duyên sinh: đã thành lập, rồi biến dịch để đi tới diệt vong rồi lại tái sinh nữa. Vì thế, bản thể của vũ trụ và con người là Không tánh, Huyễn tánh và Chân như tánh. Cuối cùng tất cả đều là Bình đẳng tánh.

Bước 14: Thể nhập Chân Như : trạng thái tâm của ngài trong hai lần chứng ngộ đều là trống rỗng, hoàn toàn vắng lặng tịch diệt, trong sáng, khách quan, bất động. Đó là tâm Như. Vì thế, Đức Phật tự xưng là “ TATHÀGATA”, dịch là Như Lai / Such-Gone/ Thus-Come” .

Bước 15: Anuttara sammà sambodhi : Được dịch là Vô thượng chánh đẳng giác, có ý nghĩa là sự giác ngộ này là cao nhất, ngang bằng với tất cả chư Phật cũng giác ngộ những chân lý điều hành con người và thế gian giống như vậy.

Trên đây, chúng ta vừa lướt qua những giai đoạn lần lượt tiến tới giác ngộ tối thượng của Đức Phật Thích Ca mà kinh điển còn ghi lại. Cô đã tạm kết nối lại thành một xâu chuỗi, đặt tên là xâu chuỗi Bồ Đề, vì mục tiêu là nhắm tới giác ngộ. Mà tại sao là xâu chuỗi? Không phải là một con đường thẳng? Vì cái bước cuối cùng là trở về cái bản thể của mình thôi. Cái Phật tánh bẩm sinh. Tức là cái đã sẵn có.

Có một câu hỏi đặt ra cho mình: Còn sợi chỉ đỏ, xuyên suốt 15 hột bồ đề là cái gì?

Tổ Đình, ngày mùng 5 Tết,
16- 2- 2021

Triệt Như

Nguồn : tanhkhong.org


Auteur : Triệt Như
Publié le : 23-05-2022 - 08:05