ENSEIGNEMENT  PRATIQUE  QI GONG 
TU HỌC  TU TẬP  KHÍ CÔNG 

« Không Nói » : 1. Dùng Tầm tắt Tứ



Cách thực tập Định có tầm không tứ

Dùng tầm tắt tứ

Ta đã biết, Tầm là sự nói thầm. Tứ là sự đối thoại thầm lặng dây dưa trong đầu của chúng ta. Bây giờ chúng ta tu thiền là cốt để làm sao cắt đứt được sự đối thoại thầm lặng dây dưa để trong tâm chúng ta được yên ổn. Trong thiền có nhiều phương cách áp dụng làm cho tâm chúng ta được yên ổn. Nhưng ở đây chúng ta dùng phương pháp “Dùng tầm tắt tứ”, đó là chúng ta dùng hai từ Không Nói để cho sự đối thoại thầm lặng kia nhanh chóng được chấm đứt. Sở dĩ chúng tôi gọi phương pháp “Dùng tầm tắt tứ” là vì trên thực tế chúng ta đã dùng hai từ Không Nói để cắt đứt quán tính nói thầm. Vì trừ hai từ Không Nói ra chúng ta không còn phương pháp nào nhanh hơn và hiệu quả hơn hai từ Không Nói. Trước hết chúng ta phải sử dụng trí năng tỉnh ngộ để dụng công, có nghĩa là chúng ta phải thực sự tỉnh ngộ để áp dụng phương pháp “Dùng tầm tắt tứ” bằng hai từ Không Nói. Xem như từ nay trở đi chúng ta dứt khoát không dùng phương pháp nào khác để thực hiện Định có tầm không tứ này.

Đơn niệm biết có lời

Bây giờ chúng ta dùng phương pháp tu Chỉ để thực hiện Dùng tầm tắt tứ. Từ Chỉ là tiếng Hán Việt, bắt nguồn từ tiếng pali là Samatha, có nghĩa là sự dừng lại của tâm. Đó là phương tiện trước tiên để giúp chúng ta thực hành tu Định, do đó người muốn tu Định đều phải tu Chỉ để làm cho tâm mình dừng lại. Mà sự dừng lại đó chỉ kéo dài trong khoảng thời gian ngắn 3-5 giây rồi lại khởi lên. Do đó mà chúng ta phải dùng tu Chỉ rồi sau đó mới tiến sâu vô tầng Định mà mình đang thực hành. Ở đây chúng ta đề cập đến trí năng tỉnh ngộ đóng vai trò quyết định trong sự dụng công của chúng ta. Đó là chúng ta dùng đơn niệm biết có lời để chúng ta chấm đứt sự đối thoại thầm lặng triền miên trong đầu của chúng ta, dùng hai từ Không Nói cộng với trạng thái biết mình đang không nói.

Phần kỹ thuật

Trước tiên chúng ta khởi sự nói vừa đủ tai mình nghe, nói nhừa nhựa “không... nói...,không... nói...,không... nói...” Đồng thời cùng lúc đó chúng ta liền khởi lên niệm biết rằng mình đang nói hai từ Không Nói. Giá trị của niệm biết này giúp chúng ta tránh được bịnh hôn trầm thụy miên hay dã dượi ngủ gục. Bằng cách dụng công trong bước này giúp chúng ta sẽ đạt được niệm biết có lời, mà lời đó chỉ vỏn vẹn hai từ Không Nói mà thôi. Đó là kết quả của tiến trình thực hành phương pháp tu Chỉ. Với phương pháp tu Chỉ nó đòi hỏi chúng ta phải biết khởi lên niệm biết, đó là yếu tố quan trọng bật nhất cúa người thực hành thiền. Như vậy nếu chúng ta để mất niệm biết đó thì chúng ta sẽ rơi vào hôn trầm thùy miên hay si định.

Kế đến chúng ta phải biết sử dụng vai trò của trí năng tỉnh ngộ để chúng ta dứt khoác với những pháp khác. Chúng ta biết rằng pháp mà chúng ta đang thực hành sẽ có cơ hội giúp chúng ta đi đến tận cùng của con đường thiền mà chúng ta đã chọn. Tại sao dùng hai từ Không Nói lại có thể chấm dứt được sự đối thoại thầm lặng trong não bộ của chúng ta ? Lý do cơ bản là khi chúng ta dùng hai từ Không Nói là mặc nhiên chúng ta ra lệnh cho sự đối thoại thầm lặng kia phải im lặng. Cho nên ngoài hai từ Không Nói ra chúng ta không thể dùng từ ngữ nào khác để thay thế hai từ Không Nói đó được. Vì thế chúng ta phải biết cách sử dụng hai từ Không Nói cho đúng thời đúng lúc thì nó mới mang lại kết quả xứng đáng cho sự thực hành thiền của chúng ta.

Nhiều người chưa bao giờ thực hành pháp không nói, họ đâm ra nghi ngờ pháp thiền Không Nói là pháp “lấy đá đè cỏ”. Ở đây chúng tôi xin nói lại cho rõ ràng tác dụng của pháp thiền Không Nói là đưa đến cắt đứt mạng lưới tham-sân-si một cách hữu hiệu. Nó giống như quí vị đang cầm bó đuốc cháy rực trong tay, chỉ cần nhúng bó đuốc đó xuống hồ nước, thì bó đuốc đó tắt ngúm ngay lập tức. Bằng hai từ Không Nói kia cũng như vậy, chỉ cần khởi lên hai từ Không Nói thì mạng lưới tham-sân-si kia ngay đó bị cắt đứt. Cho nên với phương pháp tu Chỉ này nếu chúng ta áp dụng một cách triệt để thì bao nhiêu sự đối thoại thầm lặng kia liền bị triệt tiêu ngay tức khắc.

Khi trong não của chúng ta hoàn toàn im lặng thì niệm biết sẽ hiện lên rõ ràng. Lúc đó chúng ta sẽ kinh nghiệm được câu nói của tổ Bá Trượng “Đất tâm nếu không có cây cỏ mọc lên thì mặt trời trí tuệ sẽ tự hiện”, ở đây cây cỏ tượng trưng cho sự đối thoại thầm lặng trong tâm chúng ta, bây giờ chúng không còn mọc lên nữa thì tất nhiên trí tuệ sẽ tự hiện. Lúc bấy giờ, nếu chúng ta liên tục áp dụng hai từ Không Nói thì chúng ta sẽ đạt được niệm biết không lời, Thiền tông gọi đó là niệm biết của tánh giác, Thiền nguyên thủy gọi đó là niệm biết của tâm bậc Thánh. Tóm lại cả hai thứ tâm đó chỉ cách nhau đường tơ kẻ tóc, nếu biết có lời, đó là cái biết của phàm phu, nếu biết không lời, thì đó là cái biết của tâm bậc Thánh.

Trong trường hợp ngoại lệ, khi Đức Phật dụng công vào sơ định, thì ngài dùng cái biết có lời để vào định có tầm có tứ. Bây giờ xét lại trong trường hợp ngoại lệ này, nếu chúng ta dụng công đã lâu rồi bằng hai từ Không Nói thì chúng ta cũng ở vào trạng thái định như thế. Có nghĩa là lúc bấy giờ chúng ta vẫn tiếp tục duy trì trạng thái biết có lời bằng cách gợi lên hai từ Không Nói, lúc bấy giờ tâm chúng ta đang im lặng, mặt dầu chúng ta vẫn giữ niệm biết có lời để thực hành thiền định. Vậy tâm chúng ta vẫn ở vào trạng thái định như thường lệ, đây là định có tầm có tứ, như Đức Phật đã mô tả trong kinh. Lúc bấy giờ nếu chúng ta có máy đo điện não đồ, thì chúng ta đo được sóng não phát ra dạng sóng alpha.

Thông Triệt
Khoá Chuyên tu Thiền Định, 29/06/2019


Auteur : Thông Triệt
Publié le : 16-06-2022 - 12:40