ENSEIGNEMENT  PRATIQUE  QI GONG 
TU HỌC  TU TẬP  KHÍ CÔNG 

Hồi Đáp Sinh Học Trong Thiền



Bài viết này là một tóm lược của giáo trình của Thầy Thiền Chủ Thích Thông Triệt, dựa trên các bài đọc thêm của Thầy và các lời giảng của Ni Sư Thích Nữ Triệt Như tại Khóa Thiền Căn Bản.

Khi chúng ta thực hành Thiền đúng sẽ có sự tác động dây chuyền giữa Tánh Giác, não bộ trung ương, hệ thống thần kinh đối giao cảm và tuyến nội tiết. Kết quả là thân được khỏe mạnh, tâm nhờ vậy an lạc, thân và tâm hài hòa, trí tuệ tâm linh bật ra, và tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả phát huy. Khi thực hành Thiền sai, ta dùng cái Biết có lời của ý căn, trí năng, ý thức. Ta phân biệt so sánh, cố gắng, chú tâm, có sự dính mắc và xúc cảm, thì cũng tác động vào trục dây chuyền não bộ trung ương, hệ thống thần kinh giao cảm và tuyến nội tiết. Kết quả là nội tạng xáo trộn, làm cho tâm lo âu rối loạn, trí tuệ tâm linh không bật ra, tâm từ bi hỷ xả cũng không phát huy.

Sự tương tác giữa trí năng tỉnh ngộ, Pháp, và não bộ

Khi chúng ta thực hành Thiền, Não bộ đáp ứng lại với những tín hiệu của Tâm, rồt từ Não bộ tác động dây chuyền tới cơ thể. Chúng ta bắt đầu thực hành Thiền với một sự khởi ý như “bây giờ ta sẽ dụng công tánh Thấy. Bây giờ ta sẽ thiền hành. Bây giờ ta sẽ toạ Thiền.” Ta sử dụng cái Tâm của mình để khởi ý thực hành. Nói chính xác hơn là mình dùng Trí Năng tỉnh ngộ của mình để thực hành Thiền. Khi Trí Năng tỉnh ngộ, mình cảm thấy nhu cầu thực hành Thiền thường xuyên và mình muốn thực hành dù mình gặp khó khăn lúc ban đầu. Khi mình thực hành, mình cũng xác định Pháp gì, Pháp của ai. Mình chọn đúng Pháp, đúng kỹ thuật thực hành. Do đó, trí năng tỉnh ngộ giữ một vai trò rất quan trọng.

Chúng ta chọn theo con đường tu tập của Đức Phật Thích Ca. Đức Phật dạy mình có bốn phương tiện là Thiền Quán, Thiền Chỉ, Thiền Định và Thiền Huệ, có thể gọi tắt là Quán, Chỉ, Định, Huệ. Mọi phương thức hay chiêu thức mình sử dụng đều tác động vào não bộ như: dùng lưỡi thực hành, dùng mắt nhìn, dùng tai nghe tiếng chuông hay thở qua mũi. Nếu chúng ta chỉ giữ niệm biết không lời, chúng ta sẽ tác động vào vùng phía sau bán cầu não trái tức là vùng Tánh Giác. Ở đó có Tánh Thấy ở thùy chẩm, Tánh Xúc Chạm ở thùy đỉnh, Tánh Nghe ở thùy thái dương. Ngoài ra có tánh thứ tư là Tánh Nhận Thức Biết ở gần thùy đỉnh.

Đồng thời tín hiệu cũng truyền vào hệ thống viền não qua đường hướng tâm và ly tâm.

Hệ thống viền não

Cơ chế có thể tích lớn nhất trong hệ thống viền não là Đồi Thị. Chức năng của Đồi Thị là tiếp nhận tín hiệu giác quan và phân phối đi các nơi liên hệ ở vỏ não. Thí dụ như nếu Biết không lời qua mắt, thì nó khuếch tán tín hiệu đi vào Tánh Thấy. Tai nghe âm thanh thì đồi thị khuếch tán vào Tánh Nghe, v.v.. Nó cũng khuếch tán tín hiệu tâm xúc cảm đi tới các vùng ký ức làm việc, dài hạn và khắp vùng tiền trán của vỏ não.

Dưới Đồi Thị là Dưới Đồi. Dưới Đồi là cơ quan quan trọng nhất vì nó giúp cho cơ thể biểu lộ được tất cả những sắc thái Tâm của chúng ta. Nó giúp biểu lộ tất cả các sắc thái tâm như: thanh thản, giận tức, buồn phiền, đau khổ, đố kỵ, ghen ghét, gian tham...

Dưới Đồi duy trì sự quân bằng nội môi. Nó là gạch nối giữa hệ thống thần kinh và hệ thống nội tiết. Nó tiết ra những chất nội tiết tố có khả năng khuyến khích các chất nội tiết tố khác được tiết ra khắp cơ thể hoặc ngưng chúng lại. Nó cũng liên quan mật thiết tới hệ thống thần kinh tự quản.

Hệ thống nội tiết nói chung chia ra hai loại: loại nằm trong não, loại ở trong thân thể. Ở trong não có ba tuyến nội tiết: Tuyến Tùng, Dưới Đồi và Tuyến Yên. Khi chúng ta tập nhìn ánh sáng nắng, tín hiệu trước khi đi vào đồi thị thì truyền đến Tuyến Tùng ở ngay dưới Đồi Thị. Tuyến Tùng liền tiết ra chất Serotonin và Melatonin.

Dưới Đồi chính nó cũng là một tuyến nội tiết quan trọng được gọi là tuyến Chủ. Nó tiết ra nhiều thứ trong đó có Acetylcholine, và Melatonin. Khi chúng ta nhìn bóng đen, tín hiệu vào Dưới Đồi. Nó kích thích ra Melatonin có tác dụng điều chỉnh bệnh mất ngủ, ngăn ngừa bướu (đặc biệt là buớu ngực và buớu não), và tăng cường hệ thống miễn nhiễm. Ngay bên dưới của Dưới Đồi là Tuyến Yên. Nó truyền tín hiệu của Dưới Đồi xuống các tuyến nội tiết khác. Bên trong thân thể, có rất nhiều tuyến như: Tuyến Giáp, Tuyến Phó Giáp, Tuyến Ức (là hệ thống miễn nhiễm), Tuyến Thượng thận, Tuyến Tụy, tuyến sinh dục, tuyến nước bọt .v.v..

Trong hệ thống viền não còn có thêm hệ thống ký ức gồm có ký ức dài hạn ở trong Hải Mã, và ký ức xúc cảm ở trong Hạnh Nhân. Ký ức dài hạn ghi lại những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ. Ký ức xúc cảm ghi lại những xúc cảm tiêu cực như sợ hãi, thù ghét, v.v.. lẫn tích cực như ưa thích, đam mê. Đặc biệt, nó ghi lại những xúc cảm mãnh liệt, tàn bạo, như ghen tuông, hận thù, tùy miên . Thí dụ: nhìn thấy địch thủ là rút súng ra bắn là do tác động của ký ức xúc cảm của Hạnh Nhân. Hạnh Nhân – đúng theo tên gọi của nó – trông giống một hột hạnh nhân nhỏ xíu. Nó là trung tâm gây nên nghiệp ác, các nhà khoa học goi Amygdala là trung tâm hành động do cảm xúc thúc đẩy.

Còn một ký ức nữa là ký ức làm việc (working memory) nằm ở vùng thùy trán. Nó giữ lại trong ý thức của ta những hình ảnh, âm thanh, con số, khái niệm, lời, trong một thời gian ngắn để ta có thể sử dụng chúng để làm việc. Ví dụ như khi ta cần gọi điện thoại, ký ức làm việc giữ được mười con số để ta gọi. Khi chúng ta làm con toán thầm trong đầu, chúng ta nhớ hết những con số, và dữ kiện để làm con toán đó. Tất cả những gì mình hành động, nói năng, suy nghĩ ở trong đời sống đều được ghi lại hay không ghi lại trong ký ức một cách tự động.

Tánh Giác

Khi thực hành Thiền đúng Pháp, đúng kỹ thuật, tác dụng là thân tâm hài hòa và trí tuệ tâm linh phát triển. Đây là trí tuệ tự phát, do tiềm năng giác ngộ bên trong cơ chế Tánh Giác phát ra. Nó không phải là trí phàm phu của Ý Thức, Ý Căn và Trí Năng ở hai vùng tiền trán. Mục đích của Thiền là có cái Biết Không Lời để tác động trực tiếp vào khu vực Tánh Giác. Tánh Giác sẽ tạo ra những tác dụng kỳ diệu đối với thân tâm và trí tuệ tâm linh con người. Tánh Giác nằm phiá sau bán cầu não trái. Nó kiến giải tất cả đối tượng của giác quan mà không có tự ngã can thiệp vào. Khi Tánh Giác hay cái Biết Không Lời có mặt thì tâm người hành Thiền trở nên an tịnh, trầm lặng, thanh thản. Trí năng không méo mó, xúc cảm không có mặt. Khi Tánh Giác có mặt, vỏ não, khu Dưới Đồi và Tuyến Yên bị tác động. Khu Dưới Đồi tác động vào hệ thống Đối Giao Cảm Thần Kinh và Hệ Thống Tuyến Nội Tiết. Thân thể khỏe mạnh, tâm an lạc nhờ sự tác động dây chuyền giữa cơ chế Tánh Giác, khu Dưới Đồi, Tuyến Yên và Hệ Thống Tuyến Nội Tiết.

Ta thấy Tánh Giác đóng vai trò quan trọng trong việc chữa trị hay điều chỉnh bệnh tâm thể. Khi cái Biết Không Lời có mặt, thần kinh ta không căng thẳng, lo âu, không sân hận sợ hãi, không dính mắc đố kỵ. Chỉ có sự nhận biết không lời rõ ràng mà không dính mắc vào hai bên: thương ghét, lỗi phải, thiện ác.

Đáp ứng sinh học khi Thiền đúng. Trục dây chuyền Tánh Giác, Hệ Thống Viền não, Dưới Đồi, Đối Giao Cảm Thần Kinh, Tuyến Nội Tiết, Cuống Não.

Khi thực hành Thiền, tín hiệu sẽ đi tới hệ thống viền não. Khi tới Dưới Đồi, nó sẽ tác động đến hệ thống thần kinh tự quản. Hệ thống này có những dây thần kinh đi tới các bộ phận nội tạng của chúng ta và ảnh hưởng tới các bộ phận này. Gọi là tự quản là vì hệ thống này chỉ biểu lộ một cách tự động những tín hiệu từ Dưới Đồi, mà không do ý chí ta điều khiển.

Có hai nhánh trong hệ thần kinh tự quản. Một nhánh là Giao Cảm thần kinh và một nhánh là Đối Giao Cảm thần kinh. Thực hành Thiền đúng, trước hết là thư giãn Tâm, hay thư giãn Niệm, là một phần quan trọng của sự tạo ra hồi đáp sinh học để chữa bệnh tâm thể. Sau đó, quan trọng hơn nữa là ta chỉ giữ cái Biết Không Lời, thì chúng ta tác động vào Đối Giao Cảm Thần Kinh. Đầu dây Đối Giao Cảm Thần Kinh tiết ra Acetylcholine. Chất thần kinh dẫn truyền này sẽ truyền tín hiệu tới hệ thống tuyến nội tiết. Trong hệ thống tuyến nội tiết, Tuyến Tụy sẽ tiết ra insulin, giữ đường trong gan. Insulin điều chỉnh đường trong máu và điều chỉnh được bệnh tiểu đường. Sau đó, Cuống Não bị tác động. Nó tiết ra acetylcholine, serotonin giống như Tuyến Tùng, melatonin giống như Dưới Đồi, và đặc biệt là dopamine. Dopamine làm cho tâm mình cảm thấy vui vẻ, phấn khởi mà không cần lý do từ bên ngoài. Nhà Phật gọi là hỷ lạc. Trong 4 tầng Thiền của Đức Phật, Ngài đều cảm nhận được trạng thái Hỷ Lạc đó.

Acetylcholine làm cho thân thể nhẹ nhàng linh hoạt. Nó cũng điều chỉnh huyết áp, giúp ta tỉnh thức, tăng ký ức và học hỏi, và phát huy năng lực nhận thức. Khi thân nhẹ nhàng thì Tâm mình cũng nhẹ nhàng, thanh thản theo. Sức khỏe được điều chỉnh lại. Khi thân khỏe mạnh, tâm an vui không có buồn phiền đau khổ mà lại có thêm Dopamine tiết ra nữa thì dĩ nhiên lúc nào cũng an lạc.

Melatonin điều chỉnh cái đồng hồ sinh học trong não bộ mình. Nó điều hòa ngủ thức, trị bệnh mất ngủ kinh niên, ngăn ngừa ung thư. Nó cũng giúp điều chỉnh huyết áp, ngăn ngừa bệnh tim, bệnh tai biến mạch máu não, ngăn chận bệnh đục thủy tinh thể (cataract). Nó cũng có khả năng kích thích hệ thống miễn nhiễm, phục hồi ký ức và chữa trị bệnh mất trí nhớ Alzheimer. Tuyến Tùng và khu Dưới Đồi sản xuất ra nó. Khi mình thực hành đúng, Dưới Đồi cũng tiết ra acetylcholine và melatonin tùy chiêu thức mình thực hành. Các chất sinh hóa học này tiết ra trong não của mình sẽ ảnh hưởng tới nội tạng. Tim mạch, nhịp tim không còn rối loạn, không còn áp suất máu cao, không còn đường máu cao, tiêu hóa trở lại tốt v.v.. là nhờ Đối Giao Cảm Thần Kinh hoạt động. Nhờ vậy thân thể hài hòa khỏe mạnh.

Serotonin là chất dẫn truyền thần kinh quan trọng do Tuyến Tùng sản xuất. Nó giúp cho sức khỏe dồi dào, làm việc dẻo dai, điều chỉnh ngủ thức, chữa trị bệnh trầm cảm, cho ta cảm giác no bụng, điều chỉnh sự căng thẳng thần kinh, lo âu, có khả năng chữa bệnh nhức một bên đầu.

Khi ta tu 1 thời gian dài mà tánh tình ta càng khó tánh, không có tâm từ bi, hỷ xả, thì ta biết là mình tác động vào Giao Cảm Thần Kinh.

Chức năng của Giao Cảm Thần Kinh là tiết ra chất nước hóa học norepinephrine, gây ảnh hưởng xấu cho tim, mạch máu, và những cơ quan nội tạng khác như bao tử, gan, thận. Vì Giao cảm thần kinh liên hệ trực tiếp đến hệ thống tuyến nội tiết (ruột tuyến thượng thận sẽ tiết ra thêm epinephrine và norepinephrine, vỏ tuyến thượng thận tiết ra cortisol, tuyến tụy sẽ tiết ra Glucagon) và nội tạng.Thân sở dĩ mang bệnh nội tạng là do những chất này tiết ra quá nhiều. Những chất này tiết ra là do những tiến trình xúc cảm như buồn chán, lo âu, sợ hãi của tâm dính mắc hay tâm chưa tỉnh ngộ khởi lên. Ngoài ra dụng công sai: tập trung tư tưởng, tưởng tượng, tự kỷ ám thị, hay nỗ lực quá mức cũng đưa tới những hậu quả là bệnh tâm lý hay bệnh tâm thể.

Như vậy chính Tâm tạo ra bệnh cho Thân thông qua những chất nước hóa học trong hệ Giao Cảm Thần Kinh và bên trong hệ thống Tuyến Nội Tiết. Tâm này là Tâm Vọng, do tự ngã làm chủ thể. Ý niệm “Ta” và “Cái của Ta” có mặt trong đó. Còn Tâm Chân thì không có xúc cảm. Ý niệm “Ta” và “Cái Của Ta” cũng vắng mặt. Chỉ có Dòng Niệm Biết Không Lời có mặt. Thiền Tông giả lập chủ thể biết đó là “Ông Chủ” (the “Master”), hay “Chân Ngã” (the “True Self”). Khi dòng niệm Biết Không Lời này có mặt, khu Dưới Đồi liền tác động ngược lại. Thần kinh tự quản tác động vào Đối Giao Cảm Thần Kinh. Đầu dây thần kinh này tiết ra acetylcholine. Các chất sinh hóa học làm lợi cho cơ thể được tiết ra. Thí dụ, từ Tuyến Tùng sẽ tiết ra serotonin và melatonin. Từ Tuyến Tụy tiết ra insulin. Từ Cuống Não tiết ra acetylcholine, serotonin, melatonin, dopamine, v.v..

Hồi đáp sinh học là một vòng tròn khép kín. Khi tâm tỉnh ngộ, ta thực hành Thiền đúng, tác động vào Đối Giao Cảm Thần Kinh và hệ thống Tuyến Nội Tiết. Đối Giao Cảm Thần Kinh tác động vào nội tạng và điều hòa chúng. Hệ thống Tuyến Nội Tiết tiết ra những chất sinh hóa học điều hòa nội tạng. Nhờ vậy thân thể hài hòa khỏe mạnh. Tâm cảm nhận được thân thể hài hòa nên tâm được an lạc và hài hòa.

Thiền đúng cách và Trí Tuệ tâm linh, Tứ Vô Lượng Tâm.

Khi thiền đúng cách, ta tác động vào một trong các tánh, thì trí tuệ tâm linh bật ra. Chữ tâm linh chỉ tới Tánh Giác hay Tánh Nhận Thức Biết. Trí tuệ tâm linh là trí tuệ siêu vượt thế gian bật ra qua sức dụng công của mình. Đó là cái trí tuệ sáng tạo phù hợp với sự chứng ngộ của đức Phật.

Trí tuệ tâm linh khác với trí tuệ thế gian. Trí tuệ thế gian do ta học hỏi trong học đường. Ta dùng ý thức, suy nghĩ hay trí năng, trí thông minh để học, nhớ, nói lại. Nhưng trí này cũng có căng thẳng thần kinh, có buồn, lo, khổ não.

Ngược lại, khi ta tác động vào một trong bốn tánh thì Phật tánh hay tiềm năng giác ngộ sẽ bật ra từ từ. Cái bật ra đó là do cái Biết Không Lời. Cái Biết này không do học hỏi, không do kinh nghiệm mang tới. Nếu do học hỏi thì nó cũ rích. Cái Biết này trái lại có tính cách sáng tạo. Nó là cái gì hoàn toàn mới lạ bật ra cho mình. Cái bật ra đó là Phật tánh hay còn gọi là Huệ Bát Nhã (Paññā, wisdom).

Trí tuệ tâm linh phát huy có nhiều mức độ. Mức độ thứ nhất là trực giác, là cái biết trực tiếp. Trực giác là nhận biết liền tức khắc, không thông qua suy nghĩ, không thông qua phân biệt so sánh, không thông qua trí năng. Khi được phát huy sâu sắc, nó trở thành siêu trực giác, nhìn thấy biết trước thời gian và vượt không gian.

Ngoài ra, sẽ có tâm Bi phát khởi ra đầu tiên, sau đó là tâm Từ, tâm Hỷ, tâm Xả. Chúng phát huy từ từ cho đến vô lượng vô biên gọi là Tứ Vô Lượng Tâm. Lòng Từ Bi Hỷ Xả này không có ranh giới, không có điều kiện, không cần suy nghĩ. Từ Bi trong tâm thế gian thì có giới hạn, có điều kiện, có ranh giới vì còn suy nghĩ, còn ý thức phân biệt. Bốn tâm này sẽ phát ra dạng từ trường bao quanh vị đó. Những người tới gần vị đó cảm thấy tâm tĩnh lặng, thảnh thơi. Đó là từ trường của người tu tập.

Tâm Từ là tâm hiền lành, từ ái, hảo tâm, tình huynh đệ. Tâm Bi là lòng thương mến người khác và muốn giúp đỡ người khác. Tâm Hỷ là tâm vui mừng thiện cảm trong vui mừng hay hạnh phúc của người khác. Tâm Xả là tâm thanh thản, bình thản, dửng dưng, khách quan, không luyến ái cũng không ghét bỏ, tâm bình đẳng và bình thản trước đối tượng và sự kiện, được ca tụng hay chê bai cũng không xao xuyến, không thiên vị.

Huệ tự phát cũng giúp cho người tu tập có biện tài vô ngại. Vị đó nói năng lưu loát, hiểu nghĩa rõ ràng từng chữ từng câu, nói năng thuyết pháp không có chướng ngại.

Ở trên, ta nói đến kết quả trí tuệ bát nhã phát huy khi thiền đúng cách. Đó là Phản xạ vật lý. Kết quả về sức khỏe thì các chất nước sinh hóa học tiết ra, được gọi là Phản xạ sinh lý. Nó giúp cho thân tâm hài hòa khỏe mạnh, chữa cả bệnh thân lẫn bệnh tâm. Như vậy Tâm sử dụng Pháp, sử dụng kỹ thuật Thiền đúng, tác dụng vào não bộ, ảnh hưởng đến Thân. Thân khỏe mạnh thì Tâm cũng an vui. Cho nên đây là sự tương tác giữa Tâm, Pháp, Não Bộ đối với Thân- Tâm và Trí tuệ tâm linh.

Sơ Đồ Hồi Đáp Sinh Học Trong Thiền

Sơ Đồ Hồi Đáp Sinh Học

Tập Thiền sai cách

Ta thực hành sai khi ta tác động vào vùng tiền trán, dùng Ý Căn, Trí Năng và Ý Thức, nghĩa là dùng cái biết có lời. Vùng tiền trán bị tác động khi ta thực hành như sau: dùng sự phân biệt của ý thức để tập trung tư tưởng, tưởng tượng tới một cái gì đó, tự kỷ ám thị, có lời nói thầm trong tâm, cố gắng, không thư giãn. Tín hiệu cũng đi vào hệ thống viền não, bắt đầu bằng Dưới Đồi, cũng đi vào hệ thần kinh tự quản, nhưng qua Giao Cảm Thần Kinh. Đầu dây Giao Cảm tiết ra norepinephrine, gia tăng áp suất máu. Khi đi vào tuyến nội tiết thì đi tới Tuyến Thượng Thận nằm ở trên chóp đầu hai trái thận. Ở đây, ruột thượng thận tiết ra epinephrine, khiến cho đường máu cao, cũng tiết ra norepinephrine, nhưng ít hơn epinephrine. Hai chất này tạo ra chất béo có thể gây nên bệnh béo phì.

Khi epinephrine ra nhiều thì vỏ thượng thận tiết ra cortisol. Cortisol ít thì giúp cơ thể tăng cường miễn nhiễm, nhưng khi có nhiều thì hại. Khi cortisol ra nhiều thì theo máu đi lên não, bó chặt tế bào hải mã làm chết tế bào nơi đó, vì vậy là 1 nguyên nhân làm mất ký ức.

Khi chất thần kinh dẫn truyền norepinephrine đến Tuyến Tụy thì nơi đây tiết ra glucagon. Chất này đi vào trong gan và đẩy chất đường glucose dự trữ trong gan vào máu gây ra đường máu cao. Hai chất insulin và glucagon hoạt động ngược nhau, khi insulin tiết ra thì hạ đường trong máu trong khi glucagon tiết ra thì đẩy đường dự trữ trong gan đi vào máu.

Rồi khi truyền đến Cuống Não thì Cuống Não tiết ra thêm norepinephrine và epinephrine. Khi các chất này tiết ra hoài thì áp huyết cao (do norepinephrine), và đường máu cao (do epinephrine), kết quả là chất béo nhiều, bệnh béo phì, gây ra mất ký ức và tiểu đường. Nó cũng đi vô nội tạng tạo nên gan yếu, thận suy, tim rối loạn, tiêu hóa rối loạn (bị bệnh táo bón, hay tiêu chảy).

Đây là những bệnh tâm thể do tâm rối loạn tạo nên. Tâm rối loạn vì xử dụng các vùng Ý Thức, Ý Căn và Trí Năng. Tâm bất an, lo, buồn, sợ vì thấy thực hành thiền không đem lại kết quả tốt, đó là ảnh hưởng trở lại tâm. Những bệnh tâm thể liên quan với nhau, khi dùng cái biết có lời, có tâm xúc cảm thì hay mắc các bệnh tâm thể này: áp suất máu cao, cholesterol cao, đường máu cao, quên trước quên sau, đau bao tử, loét bao tử, mất ngủ, nhịp tim rối loạn, gan suy yếu, dị ứng, thận suy, ảo giác v.v... Trí thế gian làm việc nên trí tuệ tâm linh không phát huy. Trí thế gian thì không có sáng tạo, không có từ bi hỷ xả, Đó là các kết quả khi thực hành thiền sai, người đời gọi là “tẩu hỏa nhập ma.”

Tiền trán hoạt động quá mức, xúc cảm tiêu cực và bệnh tâm thể

Người đi làm việc ngoài đời bề bộn hay kinh doanh vất vả cũng như vậy, tâm lăng xăng dao động, vùng tiền trán hoạt động mạnh, hay bực tức, buồn, lo, sợ. Tác động trên thân cũng giống như khi thưc hành thiền sai, sẽ đi qua hệ giao cảm thần kinh và tiết ra các chất sinh hóa học. Tiếng thời nay là stress gây ra bệnh tâm thể và bệnh ung thư. Đời sống khi xưa an nhàn thanh thản hơn đời sống tân thời nên ít người bị bệnh tâm thể bằng thời nay, vì ít có những xúc cảm mạnh tác động đến giao cảm thần kinh. Người thời xưa sống hài hòa giữa hai hệ giao cảm và đối giao cảm hơn con ngươì thời nay. Khi mình hài hòa được giao cảm và đối giao cảm thì sức khỏe tốt nhất. Không phải giao cảm thần kinh lúc nào cũng có tác dụng xấu, giao cảm và đối giao cảm bổ túc cho nhau, lúc nào cũng có trong con người của mình, hai bên phải hài hòa thì mình mới có sức khỏe tốt.

Kết luận

Trọng tâm tác dụng của Thiền là giúp người thực hành có những kinh nghiệm cụ thể trên thân, tâm, và trí tuệ tâm linh của mình như sau:

Những kinh nghiệm này đều dựa trên nguyên lý hồi đáp sinh học trong Thiền. Muốn đi sâu vào Thiền và muốn thực hành có kết quả, chúng ta cần có thêm kiến thức về hồi đáp sinh học trong Thiền.

Như Lưu

Nguồn : tanhkhong.org, 04/06/2022


Auteur : Như Lưu
Publié le : 12-08-2022 - 16:56