ENSEIGNEMENT  PRATIQUE  QI GONG 
TU HỌC  TU TẬP  KHÍ CÔNG 

Ba Sắc Thái Biết



Bài viết này là một tóm lược của giáo trình của Thầy Thiền Chủ Thích Thông Triệt, dựa trên các bài đọc thêm của Thầy và các lời giảng của Ni Sư Thích Nữ Triệt Như tại Khóa Thiền Căn Bản

Mở đầu - Tạo sao chủ đề này quan trọng

Bộ óc con người có khả năng kỳ diệu giúp con người suy nghĩ, giao tế, học hỏi, đặt kế hoạch cho tương lai. Trong các loài vật, con người là sinh vật duy nhất có ngôn ngữ. Ngôn ngữ giúp con người làm việc chung, trao truyền kinh nghiệm giúp dựng nên nền văn minh hiện nay và các phát minh khoa học kỹ thuật tinh xảo. Vùng vỏ não là một phần của bộ óc mà chỉ riêng con người và một số loài khỉ cấp cao có, được coi là nơi phát xuất ra trí thông minh , giúp con người có khả năng kỳ diệu nêu trên.

Nhưng con người, dù có khả năng chế ngự thiên nhiên và muôn loài, vẫn chìm đắm trong đau khổ triền miên. Con người cũng có khả năng tạo ra thù hận, giết chóc ở một mức độ hơn tất cả các loài thú khác. Đức Phật khi thành đạo đã chứng ngộ được nguồn gốc sâu xa của đau khổ và xung đột và con đường đưa đến giải thoát. Ngày nay, chúng ta có thể đối chiếu những lời dạy của Đức Phật với những hiểu biết của khoa học về não bộ để soi sáng con đường tu tập của chúng ta.

Theo kiến thức thông thường thì chúng ta “biết” qua sự suy nghĩ, tính toán, suy luận, phân biệt sự vật, phân biệt phải trái. Cái biết này xử dụng hai cơ chế mà chúng ta gọi là Ý Căn và Ý Thức. Ý Căn và Ý Thức là cái Biết của Tâm Phàm Phu thường đưa tới đau khổ. Nhưng mỗi con người cũng còn có một cái biết khác, đó là cái biết của Tánh Giác. Tánh Giác chính là bản thể của con người, là cái biết bẩm sinh, không học hỏi, không gián đoạn, khách quan. Tánh Giác là cái Biết của Tâm Bậc Thánh. Biết sống với Tánh Giác là đọan trừ khổ đau và phát huy trí tuệ tâm linh.

Trong bài này chúng ta sẽ xem qua ba sắc thái của cái biết, tức là cái biết của Ý Căn, của Ý Thức và của Tánh Giác.

Ý Căn

Ý Căn là cơ chế tạo nên sự suy nghĩ, lý luận, sự suy luận hay biện luận, cũng là nơi biểu lộ nhân cách và là nguồn gốc của sự học hỏi và trí thông minh. Về phương diện vị trí, Ý Căn nằm tại vùng vỏ não phía tiền trán, ở bên phía trái, tức là tiền trán bán cầu vỏ não trái. Ý Căn cũng liên hệ mật thiết với ngôn ngữ là một cơ chế đặc biệt chỉ con người mới có.

Ý Căn là nơi lập thành những gì đã được biết, hoặc tưởng nhớ những gì trong quá khứ, phân tích, hình dung, tưởng tượng, xét đoán, so sánh với những kinh nghiệm đã học được. Đây là nơi lý luận bằng sự nói thầm trong não về một chủ đề nào đó, để tìm ra giải pháp cho một vấn đề nào đó. Ý Căn cũng là nơi suy luận hay biện luận, dựa vào kinh nghiệm quá khứ để tính toán, phỏng đoán tương lai. Nhân cách của ta như thế nào phần lớn cũng do sự biểu lộ của suy nghĩ. Thí dụ như nghĩ xấu, nghĩ tốt, nghĩ thiện, nghĩ ác về ai. Từ những suy nghĩ liên miên của Ý Căn khởi lên những sắc thái tâm như buồn, vui, giận hờn, ghen ghét, gian tham, khổ đau, luyến tiếc v.v.. Đặc điểm của Ý Căn là nó dựa trên kinh nghiệm, dựa trên những tư tưởng cũ mà ta đã biết, đã học hỏi. Khả năng suy luận, căn bản của trí thông minh, thường được gọi là Trí Năng, là một thành phần quan trọng của Ý Căn.

Ý Căn liên hệ mật thiết với ngôn ngữ, đến sự nói thầm trong tâm. Tại vùng bán cầu não trái là vị trí của Ý Căn cũng có một vùng gọi là vùng Broca, là một vùng quan trọng trong cơ chế hình thành ngôn ngữ. Vùng Broca là nơi giải mã khái niệm, tức là nơi ý niệm được chuyển sang ngôn ngữ và được chuyển sang cơ bắp lưỡi họng để phát âm.

3-sac-thai-biet-1

Trong kinh gọi Ý Căn là Ý (Pali: Mano, Sanskrit: Manas). Còn Trí Năng thì kinh gọi là Tâm (Pali và Sanskrit: Citta), tuy nhiên cả Ý Căn, Trí Năng và Ý Thức cũng được gọi chung là Tâm (Citta).

Ý Thức

Ý Thức là khả năng phân biệt đối tượng. Khi đối tượng tiếp xúc với giác quan thì Ý Thức là nơi nhận diện ra đối tượng. Ý Thức là trạng thái “biết có sự phân biệt”, hay còn gọi là nhị nguyên, luôn luôn dựa trên sự phân biệt so sánh: phải/trái, xanh/đỏ, tốt/xấu, đúng/sai, khác /giống. Ý Thức cũng cần đối tượng, không có đối tượng thì Ý Thức không khởi lên.

Ý Thức trong kinh gọi là Thức (Pali: vinnana, Sanskrit: vijnana). Hai chữ này được kết hợp bằng hai từ: “vi” là “sự phân chia” hay “sự phân biệt”, còn “nana hay “jnana” là “biết”. Do đó Ý Thức là cái biết có sự phân biệt, có sự phân chia.

Ý Thức cũng là nơi điều tra, nghiên cứu, phân tách, tổng hợp để rồi cuối cùng đưa tới quyết định. Như khi ta đối đầu với những tình trạng nghiêm trọng, thì Ý Thức là nơi đưa ra những quyết định, những hành động quyết liệt. Và một khi đã quyết định thì Ý Thức có một thúc đẩy mạnh mẽ phải công bố ra, tức là phải nói ra cho người khác biết, hoặc làm ra hành động. Do đó, Ý Thức là nơi tạo nên khẩu nghiệp và thân nghiệp. Trong suốt thế kỷ 20, ý thức hệ đã là nguyên nhân chính tạo nên các cuộc chiến tranh thảm khốc và đẫm máu nhất.

Về phương diện vị trí, Ý Thức nằm ở vùng tiền trán của bán cầu vỏ não phải.

Một đặc tính khác biệt giữa Ý Căn và Ý Thức là Ý Căn thích nói thầm trong não, trong khi Ý Thức thì thích công bố, thích nói ra lời.

Tâm Ba Thời và khổ đau

Ý Căn luôn luôn bươi móc quá khứ nên trong kinh gọi là Tâm Quá Khứ. Ý Thức phải có đối tượng ở trước mặt mình để phân biệt so sánh nên kinh gọi là Tâm Hiện Tại. Còn Trí Năng suy đoán tương lai nên kinh gọi là Tâm Tương Lai. Kinh Kim Cang gọi ba tâm quá khứ, hiện tại, tương lai là Tâm Ba Thời và gọi tâm này là “bất khả đắc” tức là không thể nắm bắt được.

Khi suy nghĩ về quá khứ, ta gợi lại trong tâm những kỷ niệm buồn cũ, ta luyến tiếc những kỷ niệm đẹp đã qua đi, ta luyến tiếc những cơ hội đã bỏ lỡ, ta giận hờn những lời nói hành động mà ta cho là đã xúc phạm đến ta, ta thù hận những người ta nghĩ đã làm hại ta. Khi ta phân biệt so sánh trong hiện tại, ta tham muốn có được thêm về cho ta, ta ganh ghét những ai hơn ta, ta nổi lên lòng tự mãn đối với nhũng ai thua kém ta, ta thấy nhũng cái sai của người, ta thấy những cái đúng của ta, ta buồn phiền vì hoàn cảnh chưa được toàn vẹn của ta. Khi suy tính tương lai, ta mong đoạt được tiền tài, tình thương, danh dự mà ta cho là ta đang không có, ta ganh ghét những người đang có những gì ta mong ước, ta buồn vì không toại ý với hoàn cảnh đương thời của ta, ta thù, giận những ai ta nghĩ là nguyên nhân khiến ta ở trong tình trạng hiện nay.

Do đó kinh gọi Tâm Ba Thời là Vọng Tâm, Đức Phật gọi là Hồ Nước Đục mang đến khổ đau và phiền não cho con người. Khổ đau phiền não vì tâm bị dính mắc vào đối tượng trong quá khứ, trong hiện tại, trong tương lai, muốn nắm bắt, chiếm đoạt đối tượng. Mà trong thế gian thì không có gì thường hằng cả mà cứ muốn nắm bắt thì thể nào cũng thất vọng, luyến tiếc, cũng có những ước mơ không thành tựu. Khổ đau phiền não vì bên dưới Tâm Ba Thời là lòng khát ái vô tận, là tự ngã lúc nào cũng lo lắng, không bao giờ biết đủ, là cái mớ lậu hoặc, hay tập khí, kiết sử, tùy miên mà ta đã mang theo trong tâm từ bao nhiêu ngàn vạn tiền kiếp.

Khi tâm lăng xăng dao động, hay khi ta suy nghĩ, lo âu, giận hờn thì từ não tác động hệ giao cảm thần kinh, tiết ra chất norepinephrine tạo ảnh hưởng dây chuyền khắp cơ thể, tạo nên bệnh tâm thể như áp huyết cao. Do đó Tâm Ba Thời tạo ảnh hưởng không tốt trên cả tâm và thân.

Sau đây là một đồ hình tóm lược các thành phần của Vọng Tâm.

3-sac-thai-biet-2

Tánh Giác

Tánh Giác là bản thể hay chân tính (nature, true nature) của chính con người, giúp con người có cái biết thường hằng về môi trường chung quanh và bên trong cơ thể. Vì biết thường hằng, không gián đoạn, nên có dữ kiện hay không có dữ kiện nó vẫn biết, có đối tượng hay không có đối tượng nó vẫn biết. Tánh giác là cái biết lặng lẽ, không lời, không phân biệt, không chọn lựa. Tuy không có chọn lựa nhưng nó có phân tích và trực giác nên khi chạm trán đối tượng nó thấy và nhận rõ ngay tức khắc nội dung đối tượng mà không dính với đối tượng. Do đó, dù đối tượng có hấp dẫn, nó vẫn không bị đối tượng quyến rũ hay chi phối. Dù đối tượng có tệ bạc, lăng nhục tự ngã, nó vẫn bình thản dửng dưng.

Tánh giác là cái biết rõ ràng về môi trường chung quanh và bên trong cơ thể mà trong não không khởi lên lời nói nào về sự biết đó. Khi ta sinh hoạt trong đời sống, nó hằng tiếp thu ngoại trần, nội trần, kiến giải tất cả mà tâm vẫn không động.

Kinh gọi Tánh Giác là Buddhita (Pali và Sanskrit), gồm có từ “buddhi” có nghĩa là cái “biết”, và “ta” là “tánh”, hay “bản thể”, hay chỉ danh từ. Như vậy “buddhita” chỉ có nghĩa đơn giản là “tánh biết” mà thôi. Không nên lầm lẫn “buddhita” với “buddhata”, trong đó từ “buddha” có nghĩa là “giác ngộ”.

Vị trí tánh giác: phía sau bán cầu não trái, mặt ngoài của Vỏ não..

Buddhata được dịch là Phật tánh (Buddha- nature) là tiềm năng giác ngộ được phát huy từ vùng Precuneus, thuộc Vỏ não, vùng thùy đỉnh.

Trên phương diện chức năng Biết không lời, Tánh Giác gồm có ba tánh. liên hệ đến giác quan, là các Tánh Thấy, Tánh Nghe và Tánh Xúc Chạm.

Sâu sắc hơn là Tánh Nhận Thức là chức năng của vùng Precuneus.

Cái biết của Tánh Nghe, Tánh Thấy, Tánh Xúc Chạm là cái lóe sáng biết đầu tiên khi giác quan tiếp xúc đối tượng. Tánh Nhận Thức ngoài khả năng tự nhận thức biết còn liên hệ với ba tánh Thấy, Nghe, Xúc Chạm để cho ta nhận thức biết qua thấy, nghe, xúc chạm.

Cái biết của Tánh Giác là cái biết tức khắc, ngay trong sát na đầu tiên đã nhận biết liền về đối tượng mà trong tâm chưa có khởi lên lời nói thầm nào. Cái biết đó rất rõ ràng, đầy đủ và sâu sắc nhưng không có sự phân biệt so sánh, không có khen chê, không có thích hay không thích, không có tình cảm khởi lên. Cái biết của Tánh Giác là cái biết khách quan, khi Tánh Giác tiếp xúc với đối tượng thì đối tượng như thế nào ta thấy y như vậy, trong tâm hoàn toàn phẳng lặng, không gợn sóng. Do đó Tánh Giác còn gọi là Tâm Bây Giờ và Ở Đây.

Thiền Tông hay ví cái BIẾT KHÔNG LỜI (Nhận thức có lưu giữ trong ký ức) với một tấm gương, hay một mặt hồ, phản ảnh đối tương một cách trung thực mà không giữ dấu vết gì, như trong bài thơ của thiền sư Việt Nam Hương Hải Thiền Sư:

Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thuỷ
Nhạn vô di tích chi ý
Thuỷ vô lưu ảnh chi tâm
Chim nhạn bay qua khoảng không gian rộng lớn
Hình bóng chim nhạn chìm dưới giòng nước lạnh
Chim nhạn không có ý lưu lại dấu vết
Dòng nước cũng không có tâm lưu giữ hình bóng chim

Tánh Giác là một khả năng bẩm sinh của con người, nó là tiềm năng giác ngộ mà ai cũng có, nó không cần học hỏi, không cần kinh nghiệm, không được làm ra hay được sáng tạo, nên Đức Phật gọi nó là “cái vô sinh”. Nó nằm ngoài lãnh vực của cái biết phân biệt của Ý Thức, cái biết suy luận của Trí Năng, và cái biết bằng suy nghĩ của Ý Căn. Tuy ai cũng có Tánh Giác nhưng trong nhiều người, nó là cái biết thụ động vì nó chưa được đánh thức để trở thành một năng lực mới thay thế cho Ý Căn và Ý Thức.

Tánh Giác và sâu sắc nhất là Phật tánh, là tiềm năng giác ngộ, tức là khả năng giúp ta kiến giải những điều mới lạ và sáng tạo mà trước kia ta chưa từng biết đến. Phật Giáo Phát Triển gọi là Chân Tâm, Thiền Tông gọi là “Ông Chủ”.

3-sac-thai-biet-3

Trên phương diện vị trí, Tánh Thấy nằm ở Thùy Chẩm tức là sau ót, Tánh Nghe nằm ở Thùy Thái Dương, Tánh Xúc Chạm nằm ở Thùy Đỉnh và Tánh Nhận Thức thì nằm ở trên gần đỉnh đầu, thuộc Thùy Đỉnh .

Khi ta thực hành cái biết không lời thì tâm ta hoàn toàn tĩnh lặng và tác động vào một trong các tánh của Tánh Giác nên trí tuệ tâm linh bật ra. Mặt khác, hệ thống đối giao cảm thần kinh được tác động, tiết ra chất acetylcholine điều hòa áp suất máu, điều chỉnh nội tạng. Kết quả là thân thể khỏe mạnh, tâm an lạc, trí tuệ tâm linh phát huy, đưa đến hết khổ nơi thân và tâm.

Tóm lược: Sơ đồ Ba Sắc Thái Biết

3-sac-thai-biet-4

Như Lưu

Nguồn : tanhkhong.org, 10/05/2022


Auteur : Như Lưu
Publié le : 12-08-2022 - 16:57