ENSEIGNEMENT  PRATIQUE  QI GONG 
TU HỌC  TU TẬP  KHÍ CÔNG 

Tiến Trình Tu Chứng và Thành Đạo của Đức Phật



Bài viết này là một tóm lược của giáo trình của Thầy Thiền Chủ Thích Thông Triệt, dựa trên các bài đọc thêm của Thầy và các lời giảng của Ni Sư Thích Nữ Triệt Như tại Khóa Thiền Căn Bản

Vị Phật lịch sử

Đức Phật Thích Ca là một vị Phật có thật trong lịch sử văn minh văn hóa nhân loại. Ngày nay, chúng ta còn có thể tìm lại được sử sách ghi lại cuộc đời của Đức Phật Thích Ca, và có thể tìm lại được những di tích còn lại ở Ấn Độ và Nepal của những nơi Đức Phật sinh ra, thành đạo, giảng bài pháp đầu tiên và nơi Đức Phật nhập niết bàn. Tại những nơi này còn lưu lại những di tích lịch sử như những trụ đá do vua A Dục dựng nên. Vua A Dục sống sau Đức Phật khoảng gần ba trăm năm. Sau khi đã theo về Phật pháp, vua A Dục đã nhờ vị tổ thứ tư, là ngài Upagupta, dẫn tới những nơi Đức Phật sinh ra, thành đạo, chuyển pháp luân, và nhập niết bàn, và tại các nơi đó, vua A Dục đã cho dựng lên một trụ đá có những hàng chữ cổ ghi lại rõ ràng, còn tồn tại đến ngày nay.

Đức Phật Thích Ca có may mắn được sanh trong một gia đình quý tộc và cầm quyền, thừa hưởng đầy đủ các xa hoa thế gian. Nhưng ngay từ thuở thơ ấu Ngài đã sớm khắc khoải về nỗi đau khổ của con ngươì trên thế gian và nảy sinh ý muốn cứu vớt tất cả chúng sinh thoát khỏi biển khổ. Ngài quyết tâm từ bỏ đời sống quý tộc và xa hoa, bỏ tất cả tình cảm gia đình, đi vào chốn rừng sâu để tìm phương thức giải thoát cho mình trước, rồi sau đó cho tất cả chúng sanh khác. Qua tiến trình dài với những thử thách gian nan và sai lầm, cuối cùng Ngài đã đạt được mục tiêu tối hậu là giác ngộ, thành đạo và chứng ngộ chân lý. Sau đó Ngài quyết định hướng dẫn tất cả những ai có tâm cầu giải thoát và Ngài đã đi khắp nơi giảng pháp trong vòng 45 năm.

Khi còn niên thiếu, Ngài tên là Siddhattha họ Gotama (tiếng Pāli) hay Siddhārtha Gautama (tiếng Sanskrit). Sau khi thành đạo, Ngài được gọi là Phật Cồ Đàm (Gotama Buddha), đệ tử Ngài gọi Ngài là “Thế Tôn” (“Bhagavat”) hay Đức Phật (“Buddha”), những người khác gọi Ngài là “Tôn Giả Cồ Đàm (“Bho Gotama”) hay Sa Môn Cồ Đàm (“Samana Gotama”). Ngài cũng được gọi là Thích Ca Mâu Ni (P: Sakkamuni, S: Sākyamuni) có nghĩa là “vị thánh yên lặng bộ tộc Thích Ca”, còn Ngài thì tự xưng là “Như Lai (“Tathāgata”) có nghĩa là “người đã đến như vậy”, hay là “người đã đạt được Tâm Như, tức Tâm Tathā”.

Niên thiếu - Đầu mối nhân duyên

Khi Hoàng hậu Māyā, vợ vua Tịnh Phạn (Suddhodana), xứ Kosala, sắp đến ngày sinh, thì theo đúng truyền thống lúc bấy giờ, bà trở về vương quốc của bà (xứ Koliya, bây giờ thuộc Nepal) để sinh con. Nhưng đi được nửa đường, đến vườn Lâm Tì Ni, thì bà hạ sinh Đức Phật. Sau khi sinh đức Phật xong, do vì bà sinh khó, nên sau đó bảy ngày thì bà từ trần.

Khi vua Tịnh Phạn mở tiệc ăn mừng khắp trong nước, thì có một vị đạo sĩ tên là A Tư Đà đang tu từ trên Hy Mã Lập Sơn xuống thăm viếng Thái Tử. Khi ngài A Tư Đà nhìn thấy Thái Tử, ngài cười lên rồi lại khóc. Khi vua Tịnh Phạn hỏi lý do, thì ngài A Tư Đà mới nói rằng: “Sau nầy có thể có hai điều sẽ xảy ra: nếu thái tử ở trong hoàng cung thì sẽ trở thành một bậc hoàng đế lỗi lạc, và nếu như thái tử bỏ nhà đi tu thì Ngài sẽ trở nên một bậc đại giác. Nhưng mà tới chừng Ngài thành đạo thì tôi đã không còn sống để được học hỏi nơi Ngài cho nên tôi khóc”.

Sau đó có 108 vị Bà La Môn đến thăm viếng thái tử Siddhattha, trong đó có ngài Kiều Trần Như giỏi về tướng số. Vị này tiên đoán: “Thái Tử sau nầy sẽ đi tu và trở thành Bậc Đại Giác”. Vua Tịnh Phạn nghe những lời tiên tri này rất lo lắng vì Ngài muốn thái tử Siddhattha sau nầy sẽ lên kế vị ngôi vua.

Ngay từ thuở nhỏ, tính tình Thái Tử rất trầm lặng, thích sống một mình. Một hôm, vào buổi lễ Hạ Điền bắt đầu mùa đồng áng, trong lúc mọi người đang vui lễ hội, thì Thái Tử ngồi xuống dưới cây hồng táo, bắt chéo chân, lưng thẳng đứng, và tự động khởi lên ý nghĩ hít vào và thở ra bằng niệm biết. Khi vua Tịnh Phạn thấy con ngồi kiết già với trạng thái tâm yên lặng biểu lộ trên gương mặt, ngài kính phục nhưng lại thêm lo lắng và lập kế hoạch để Thái Tử không đi theo con đường tu đạo.

Ông cho mời tất cả những vị thầy giỏi ở trong nước vào hoàng cung để dạy Thái tử văn chương, nghệ thuật và võ nghệ. Thái tử học môn gì cũng rất giỏi. Đồng thời, ông tạo điều kiện để Thái Tử tận hưởng những thú vui trong cung điện và ra lệnh cấm không cho Thái Tử tiếp xúc với môi trường sinh hoạt ngoài xã hội, vì sợ nếu Ngài thấy cảnh khổ của dân chúng thì sẽ quyết định đi tu.

Cũng trong kế hoạch cầm chân Thái Tử, khi Thái Tử được 16 tuổi thì vua Tịnh Phạn làm lễ cưới Thái Tử với công chúa Da Du Đà La cũng 16 tuổi. Về sau này, Đức Phật kể lại cuộc đời lúc bấy giờ của Ngài cho các đệ tử nghe: “Vua cha đã lập cho ta ba tòa cung điện, một tòa cung điện để sống trong mùa hè, một tòa cung điện trong mùa mưa và một tòa cung điện trong mùa đông. Và suốt ngày cung phi mỹ nữ ca hát”.

Đến năm Thái Tử 29 tuổi, Ngài phải xin phép vua cha để được đi dạo chơi ngoài hoàng cung. Vua Tịnh Phạn đồng ý nhưng cũng ra lệnh cho dân gian: “Những con đường mà Thái tử sẽ đi phải trang hoàng cho đẹp, và chỉ những người khỏe mạnh, giàu có mới được ra để mà tung hô Thái tử”.

Hôm đó, Thái Tử được người đánh xe là Xa Nặc đưa đi dạo chơi ngoài hoàng thành. Giữa cảnh trang hoàng bông hoa đẹp đẽ, người người tung hô, thì Thái Tử nhìn thấy một người lưng còng, tóc bạc, run run đi. Thái tử không biết người đó là người gì, mới hỏi Xa Nặc, thì Xa Nặc trả lời:

- Đó là một người già
- Già là sao?
- Già là lưng còng, tóc bạc, da nhăn
- Ta rồi có già không?
- Có, Thái tử rồi cũng sẽ già, ai rồi cũng phải già.

Thái tử nghe vậy bắt đầu lo nghĩ về thân phận già yếu mà mọi ngươì trên đời ai cũng phải trải qua. Ngài buồn bã ra lệnh quay ngựa trở về hoàng cung không tiếp tục đi nữa.

Qua ngày khác, cũng đi xe với Xa Nặc, Thái Tử trông thấy một người chống gậy, run run đang đi trên đường, bỗng ngã lăn ra, bất tỉnh. Ngài lại hỏi Xa Nặc, thì Xa Nặc mới trả lời:

- Đó là một người bệnh
- Bệnh là sao?
- Bệnh là không có còn sức khỏe, bệnh nghĩa là yếu đi, nghĩa là không còn tuổi thanh xuân. Thái tử rồi cũng sẽ bệnh, Da Du Đà La rồi cũng sẽ bệnh, không ai tránh khỏi bệnh.

Nghe vậy, Thái tử nhận định rằng bệnh là một quy luật, không ai có thể tránh khỏi bệnh tật. Ngài buồn bã, ra lệnh quay xe trở về.

Lần đi dạo chơi ngoài hoàng thành thứ ba, thì Ngài nhìn thấy bên đường có một thân người bất động, quấn vải được khiêng trên cái chõng tre và những người đi theo thì buồn bã khóc than. Ngài lại hỏi Xa Nặc. Xa Nặc mới nói:

- Đó là người chết.
- Chết là sao?
- Chết là từ đây không ai nhìn thấy người đó nữa. - Người ta khiêng người chết đi đâu?
- Người ta khiêng người chết đi hỏa thiêu.

Xuất gia tầm đạo - tỉnh ngộ lần thứ nhất

Suốt nhiều ngày, Thái Tử không làm sao an vui được. Ngài nhận ra già, bệnh, chết là những qui luật mà con ngươì không ai tránh khỏi. Với ý chí bất khuất, Thái Tử nghĩ rằng ngài sẽ không chịu khuất phục quy luật này. Ngài nhất định: “Ta sẽ tìm phương thức thoát khỏi già, bệnh, và chết cho ta và cho cả mọi con người”.

Một sáng sớm, Thái tử cưỡi ngựa ra khỏi hoàng thành, cuối cùng đi xa đến một nơi yên tĩnh. Ngài ngồi xuống nghỉ bên đường thì nhìn thấy ở xa, có một người tu sĩ, đắp y vàng, cầm bình bát đi khất thực với phong thái khoan thai, tĩnh lặng. Đợi vị tu sĩ tới gần, Thái Tử mới thưa hỏi và được biết vị tu sĩ này đã từ bỏ gia đình, sống không gia đình để đi tìm phương thức thoát già, bệnh, chết. Nghe qua những lời này Thái Tử như người tỉnh cơn mê, thấy đây là giải đáp mà Ngài đã bế tắc trong những ngày trước đây. Ngài trở về hoàng cung với tâm thái phấn khởi vì đã nhận ra hướng đi mới: rời bỏ gia đình, sống đời sống không nhà và đi tìm thầy để học đạo.

Đây là sự tỉnh ngộ đầu tiên của Thái Tử Siddhattha.

Tỉnh ngộ lần thứ hai

Lúc bấy giờ công chúa Da Du Đà La mới vừa sinh đứa con trai đầu lòng là La Hầu La. Một đêm sau khi buổi yến tiệc tàn, cả hoàng cung đang say ngủ, Thái Tử Siddhattha đến thăm vợ và con lần chót. Rồi sau đó Ngài đánh thức Xa Nặc dậy, đem con ngựa Kiền Trắc ra và hai thầy trò rời hoàng thành trong đêm tối.

Sau khi cắt tóc, mặc quần áo dân thường và từ giã Xa Nặc, Đức Phật đi vào rừng để tìm thầy học đạo. Đầu tiên, Ngài gặp một vị thầy rất nổi tiếng, có đông đệ tử, tên là Āḷāra Kāḷāma. Vị thầy nầy dạy tầng thiền Yoga thứ 3 là Vô Sở Hữu Xứ định. Sau một thời gian ngắn, Đức Phật đạt được tầng Vô Sở Hữu Xứ định và đến trình với thầy. Vị thầy vô cùng mừng rỡ, nhưng không còn pháp gì để dạy Ngài thêm nữa, chỉ mời Ngài lưu lại để cùng hướng dẫn đệ tử. Ngài từ chối, vì chưa đạt được những gì Ngài tìm cầu nên Ngài từ giã thầy ra đi.

Sau đó, Ngài gặp một vị đạo sư nổi tiếng khác tên là Uddaka Rāmaputta, dạy tầng thiền thứ tư và cao nhất của thiền Yoga là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ định. Cũng trong một thời gian ngắn, Ngài đạt được Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ định và cũng đến trình với thầy để xin thầy chỉ dạy thêm. Nhưng vị thầy cũng không còn gì để dạy Ngài nữa và cũng mời Ngài ở lại để cùng hướng dẫn đệ tử. Nhưng đối với Ngài, đây không phải là mục tiêu tối hậu mà Ngài nhắm đến, nên Ngài lại từ giã thầy để ra đi.

Đây là sự tỉnh ngộ lần thứ hai, tức là trên con đường tu tập, Pháp quan trọng hơn Thầy. Thầy mà không có pháp thì mặc dầu vẫn kính mến thầy, nhưng phải từ giã thầy để ra đi tìm pháp đáp ứng đúng mục tiêu của mình.

Khổ hạnh

Đức Phật không nản chí, tiếp tục đi tìm đạo. Ít lâu sau, Ngài gặp 5 vị đạo sĩ, đứng đầu là ngài Kiều Trần Như, họ dạy Ngài cách tu khổ hạnh. Khổ hạnh là lối tu tự hành hạ xác thân và dùng ý chí mạnh mẽ để chiến thắng những ham muốn, dục lạc của tự ngã. Thí dụ như: hạn chế ăn uống tối đa, như mỗi ngày ăn một hạt mè hay uống một giọt nước; nằm trên gai; không mặc quần áo; sống gần bãi tha ma hay trong rừng sâu; sống giống như thú vật; bôi bùn tro lên mặt và thân mình; không cạo râu tóc.

Tuy cùng tu chung với 5 vị đao sĩ, nhưng Đức Phật áp dụng những cách tu khổ hạnh khốc liệt nhất. Đôi khi Ngài đi vào rừng sâu sống một mình, không mặc quần áo gì cả. Vào mùa đông tuyết rơi, Ngài ngủ ngoài trời giá lạnh. Vào mùa hè, thì lại nằm ở ngoài nắng cháy. Có khi nằm trong bãi tha ma, có khi lấy gai để làm giường, có khi mấy tháng không tắm, có khi một đêm xuống sông tắm ba lần, còn râu tóc thì không nhổ. Về sau, Đức Phật kể lại cho các đệ tử rằng: “Tay chân ta trở thành như những cọng cỏ…Con ngươi long lanh của ta nằm sâu thẳm như trong một giếng nước thâm sâu.. Da đầu ta trở thành nhăn nheo, khô cằn như trái bí trắng bị cắt trước khi chín…Nếu ta nghĩ “Ta hãy sờ da bụng”, thì chính xương sống ta bị nắm lấy…Da bụng ta bám chặt xương sống… Nếu ta nghĩ “Ta đi đại tiện hay tiểu tiện”, thì ta ngã quỵ, úp mặt xuống đất…Nếu ta lấy tay xoa bóp chân tay, các lông tóc hư mục rụng khỏi thân ta…” (Đại kinh Sư Tử Hống, số 12, kinh Trung Bộ, Nikāya)

Trung Đạo – Tỉnh ngộ lần thứ ba

Sau 6 năm tu khổ hạnh, Đức Phật bắt đầu hoang mang vì tuy chiến thắng được những đòi hỏi của thân, nhưng không đưa đến giác ngộ và giải thoát. Rồi một hôm Ngài kiệt sức, té xuống nằm bất tỉnh ở bờ sông, may nhờ bấy giờ có một cô thôn nữ chăn cừu đi ngang qua thấy, cho Ngài một bát sữa cừu, nhờ vậy Ngài mới lần lần tỉnh dậy.

Tới đây, Ngài tỉnh ngộ và nhận ra rằng thân người là quí, sức khoẻ là quí. Thân giúp ta tiến tu, nếu như ta ngã ra chết thì làm sao tu tập được. Sau bao nhiêu kiếp tu bồi công đức mới được đầu thai làm người, đây là một việc rất khó và hy hữu và là một cơ hội tu tập không thể bỏ lỡ. Từ đó, Ngài chủ trương Trung Đạo, tức là không lợi dưỡng như thời kỳ làm thái tử, nhưng cũng không khổ hạnh như thời kỳ sống trong rừng khổ hạnh, mà gìn giữ sức khỏe để đủ sức tu hành.

Đây là lần tỉnh ngộ thứ 3 của Đức Phật.

Lúc bấy giờ Ngài chấm dứt khổ hạnh, đi khất thực trở lại để phục hồi sức khỏe. Ngài sực nhớ lại kinh nghiệm cũ khi Ngài ngồi thiền dưới cây hồng táo trong dịp lễ Hạ Điền. Ngài nhớ lại không bị các âm thanh buổi lễ xáo trộn, trái lại tâm trở nên tĩnh lặng, và cảm thấy sự dễ chịu phấn chấn bao trùm khắp toàn thân. Ngài gọi trạng thái này là hỷ lạc (P: pitisukham). Ngài liền áp dụng phương pháp thở trở lại, và quả nhiên Ngài đạt được trạng thái hỷ lạc như thời còn thơ ấu.

Ngài tìm lại 5 vị đạo sĩ tu khổ hạnh, báo cho họ biết rằng Ngài đã từ bỏ khổ hạnh, ăn uống bình thường để phục hồi sức khỏe cho cơ thể, và sẽ áp dụng phương pháp thở mà Ngài đã kinh nghiệm hồi còn nhỏ. Nghe như vậy, 5 vị đạo sĩ chê bai, khinh thường Ngài, nói rằng Ngài đã ham lợi dưỡng trở lại, không còn tinh tấn tu theo khổ hạnh nữa, và bỏ Ngài ở lại một mình và rời đi nơi khác để tu.

Tiến trình tu chứng

Một hôm, khi Ngài đang ngồi thiền thì có một cô gái tên là Sujātā mang bánh kheer đến cúng dường thần linh cầu được sanh con trai. Đây là một trợ duyên kỳ diệu, giúp Đức Phật không cần lo việc nuôi thân, chỉ tinh tấn dụng công.

Nhờ cái bánh đầy đủ chất bổ, Đức Phật lấy lại sức khỏe. Ngài quyết định băng qua bên kia sông Ni Liên Thiền, chọn nơi có những cây Pipphala (bây giờ gọi là cây Bồ Đề) to lớn làm nơi tọa thiền. Trên đường đi, có em chăn trâu cúng dường Ngài 4 bó cỏ kusha. Trải cỏ kusha làm đệm lót ngồi, măt hướng về sông Ni Liên Thiền, sau lưng là cây pipphala, Ngài phát nguyện: “Dù cho da, gân và xương, cũng như thịt và máu của ta có khô cằn, nếu không đạt được Giác Ngộ Tối Thượng, ta sẽ không rời khỏi chỗ ngồi này”.

Tầng định thứ nhất - Sơ Định

Ngài bắt đầu thực hành pháp thở mà chính Ngài đã khám phá ra, gọi là “Định Niệm Hít Vào Thở Ra” (Pāli: Ānapāna Sati Samādhi). Bước đầu tiên, Đức Phật nói thầm: “Tôi biết tôi hít vào, tôi biết tôi thở ra...”, mà trọng tâm là “niệm biết có lời nói thầm”. Hiệu quả của bước này là cắt đứt quán tính nói thầm trong não từ Ý Căn, Ý Thức, Trí Năng. Tâm Đức Phật bắt đầu trở nên thanh thản, và hỷ lạc khởi lên. Điều quan trọng trong bước này là lời nói thầm cần phải được gắn liền với niệm biết.

Đức Phật an trú trong tầng định này trong một tuần lễ. Chúng ta nên ghi nhớ là một tuần lễ thời bấy giờ không nhất thiết đúng với tuần lễ 7 ngày như ngày nay. Đức Phật gọi tầng định này là “Định Có Tầm Có Tứ”. Tầm, tiếng Pāli là Vitakka có nghĩa “lời nói thầm”, Tứ: tiếng Pāli là Vicāra có nghĩa “lời đối thoại thầm lặng”. Ở đây, khi áp dụng lời nói thầm với một nội dung duy nhất và gắn liền với niệm biết thì các vọng tưởng (“Tứ”) từ các vùng ký ức không khởi lên khiến cho quán tính động của tâm từ từ tạm lắng xuống và tâm bắt đầu trở nên thuần.

Về sau Đức Phật thuật lại như sau: “Ta ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ…Lạc thọ khởi lên nơi ta được tồn tại nhưng không chi phối tâm ta” (Kinh Trung Bộ, đại kinh Saccaka, số 36)

Tầng định thứ hai - Định không tầm không tứ

Với kinh nghiệm của tầng thiền thứ nhất, Đức Phật cảm thấy niềm hân hoan vui thích thấm nhuần toàn thân và nội tâm an tịnh. Ngài nhận ra kết quả này phần lớn do nhờ ly dục ly bất thiện pháp. Ngài tiến lên bước thứ hai là chấm dứt lời nói thầm, chỉ giữ cái niệm Biết mà thôi: “Biết hít vào, biết thở ra”. Hơi thở cứ ra vào tự nhiên, Ngài chỉ duy trì niệm rõ biết có hơi thở vào và ra, không xử dụng ý thức hay trí năng để quán sát, theo dõi hay điều khiển hơi thở. Đây là Ngài đạt được từng định thứ hai, trong kinh gọi là “Định không tầm không tứ”. Đức Phật an trú trong từng thiền này trong một tuần lễ.

Trong giai đoạn này, tất cả niệm hơi thở vào, ra, thô, tế, dài, ngắn, sâu, cạn ta đều biết rõ ràng, nhưng biết mà không có lời nói thầm về sự biết, chỉ thầm nhận biết. Phương thức này cũng còn được gọi là chú ý trống rỗng hay quan sát trống rỗng, trong đó không có chủ thể biết, chỉ có sự nhận biết về sự hít vào thở ra mà thôi. Bằng cách này, tâm Ngài trở nên trong sáng, tĩnh lặng và biết rõ ràng những cảm giác của thân. Niềm hân hoan vui thích thấm nhuần toàn thân Ngài.

Đức Phật thuật lại: “Diệt tầm và tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm…Lạc thọ khởi lên nơi ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm ta”. (Kinh Trung Bộ, đại kinh Saccaka, số 36)

Tầng định thứ ba - Định Ly Hỷ Trú Xả

Qua tuần lễ thứ ba, Đức Phật nhận biết hỷ lạc khởi lên nhưng không thưởng thức hỷ lạc mà an trú ở trong tâm tĩnh lặng, thanh thản mà thôi. Tầng thiền này gọi là “ly hỷ trú xả” hay gọi là “Chánh Niệm Tỉnh Giác” (Sati Sampajañña) có nghĩa là “Biết rõ ràng và đầy đủ tất cả môi trường chung quanh cũng như nội tâm, nhưng không dính mắc”.

Trong giai đoạn này, tâm của Ngài đã trở thành năng lực Biết vững chắc. Dù lạc thọ thấm nhuần toàn thân, tâm Ngài không bị lạc thọ chi phối. Ngài cảm nhận niềm an lạc tỏa khắp toàn thân. Lúc bấy giờ ý hành hoàn toàn không động, khái niệm tư duy không còn khởi lên. Thọ và Tưởng không còn xao động tâm Ngài. Đức Phật cũng an trú trong từng thiền này một tuần lễ.

Đức Phật thuật lại: “Ly hỷ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ,…, chứng và trú thiền thứ ba…Lạc thọ khởi lên nơi ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm ta”. (Kinh Trung Bộ, đại kinh Saccaka, số 36)

Tầng định thứ tư - Định Bất Động

Trong giai đoạn này, trạng thái tỉnh thức biết không lời mà Đức Phật đã đạt được trong từng thiền thứ ba từ từ trở thành nhận thức biết không lời. Tâm thức của Ngài rơi vào trạng thái bất động. Chút dính mắc trong tâm với trạng thái an lạc (“xả”) cũng biến mất. Nội tâm của Ngài ở trạng thái tĩnh lặng sâu. Ý thức không động. Năng lực nhận thức biết không lời càng lúc càng tỏ rạng. Ngài chìm sâu trong định không đối tượng. Hơi thở rơi vào trạng thái yên lặng tự động từng chập, gọi là tịnh tức.

Đức Phật thuật lại: ”Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh”. (Kinh Trung Bộ, đại kinh Saccaka, số 36)

Tầng thiền này được gọi là “Định Bất Động”, hay ba hành không động, tức là ngôn hành không động, ý hành không động, thân hành không động. Ngôn Hành không động, là dứt tầm và tứ, là dứt các lời nói thầm trong não, đã được thưc hiện trong từng thiền thứ hai. Còn Ý hành, là do cảm thọ, vì Thọ khởi lên nên sinh ta Tưởng, khi Thọ và Tưởng yên lặng, tâm hoàn toàn không dính mắc, thì Ý Hành không động, đây là kết quả của từng thiền thứ ba. Đến tầng thiền thứ tư, thì hơi thở tự động ngưng từng chập, nên gọi là Thân Hành không động. Đức Phật an trú trong từng thiền này một tuần lễ.

Chứng Ngộ

Đến ngày cuối của tuần lễ thứ tư, trong trạng thái tâm bất động sâu của từng thiền thứ tư, ba trí huệ, tức “Ba Minh”, tuần tự hiện rõ trong tâm Đức Phật, như mọi vật lần lượt phản ảnh trên một tấm gương trong sáng, không bụi bặm. Ánh sáng giác ngộ chiếu sáng trong tâm thuần tịnh của Ngài.

Đức Phật nói: “Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, ngoài lý luận, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, ta dẫn tâm đến Túc mạng minh…”. Trạng thái tâm này gọi là Tâm Như hay Tâm Tathā, tức là tâm hoàn toàn tĩnh lặng, thanh thản, không dính mắc, chỉ có cái nhận thức biết rõ ràng mà thôi.

Trí huệ thứ nhứt là Túc Mạng Minh là sự hiểu biết rõ ràng tất cả những kiếp quá khứ của chính Ngài, trong những nét đại cương và chi tiết, và những nhân duyên đưa đến ngày nay. Đức Phật chứng ngộ Túc Mạng Minh vào canh một.

Qua canh hai, Ngài nhận ra được những tương quan nhân quả, nghiệp báo của chúng sinh. Ngài nhận ra rõ ràng các nghiệp lành hoặc nghiệp ác họ tạo ra từ trong một hay nhiều kiếp trong quá khứ đã ảnh hưởng ra sao trên sự chết sống, thành bại, hình dạng, hạnh phúc của họ. Trí huệ này gọi là Thiên Nhãn Minh.

Qua đến canh ba, Đức Phật nhận ra giải đáp cho nỗi khắc khoải của Ngài khi Ngài ra đi tìm đạo, đó là câu hỏi “Tại sao con người cứ phải sanh ra để chịu cảnh sanh, già, bệnh, chết”. Trí huệ này là Lậu Tận Minh, Ngài chứng ngộ trong canh ba.

Lậu là Lậu Hoặc là những cái đam mê, ghiền nghiện, những thú vui và ham thích mà mình không bỏ được, những thứ do mình huân tập từ bao nhiêu đời trước đang ảnh hưởng đến ngày hôm nay. Chính lậu hoặc điều khiển ba nghiệp thân, lời, ý của mình, chính lậu hoặc làm ô nhiễm tâm của mình, chính lậu hoặc là nguyên nhân của khổ đau, của luân hồi sinh tử. Ngài thấy rõ nguyên nhân của đau khổ và lậu hoặc, và con đường diệt khổ và diệt lậu hoặc. Dựa vào Lậu Tận Minh, Đức Phật thiết lập Tứ Diệu Đế và Bát Chính Đạo.

Đức Phật nói: “Ta biết như thật ‘Đây là Khổ (lậu hoặc)’, ‘Đây là nguyên nhân của Khổ (lậu hoặc)’, ‘Đây là sự diệt Khổ (lậu hoặc)’, ‘Đây là con đường đưa đến diệt Khổ (lậu hoặc)’”

Nhờ chứng Lậu Tận Minh, Đức Phật đã hoàn toàn giải thoát, sạch lậu hoặc, không còn tái sinh vào cảnh giới nào nữa. Ngài nói: “Nhờ hiểu biết như vậy, tâm của ta thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu…Ta khởi lên sự hiểu biết: ‘Ta đã giải thoát’. Ta đã biết: ‘Sanh đã diệt, pham hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa” (Kinh Trung Bộ, đại kinh Saccaka, Số 36)

Chứng ngộ này gọi là “Chứng Ngộ hoàn toàn” (Pāli là “Abhisamaya”). Lúc này Đức Phật đã đắc quả A La Hán là chấm dứt tái sinh, chấm dứt lậu hoặc.

Thành đạo

Sau khi chứng ngộ Ba Minh, Đức Phật còn ở lại cội bồ đề thêm 7 tuần nữa để chiêm nghiệm lại những pháp mà Ngài đã thành tựu. Ngài nhìn ngắm hiện tượng thế gian bằng Tâm Tathā và thấy được bản tánh của hiện tượng thế gian. Đây là chân lý Lý Duyên Khởi hay Pháp Duyên Sinh mà Đức Phật xếp gọn lại qua 4 câu kệ.

Cái này có, cái kia có,
Cái này sinh, cái kia sinh
Cái này không, cái kia không
Cái này diệt, cái kia diệt

Đó là khởi đầu của lần chứng ngộ thứ hai là chứng ngộ Lý Duyên Khởi. Sau đó, Đức Phật thành đạo, đạt được giác ngột tối hậu, là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Giác (P: Anutttara Sammà Sambodhi), trở thành Phật.

Lý Duyên Khởi sẽ đựơc khai triển trong chủ đề Mười Hai Nhân Duyên.

Như Lưu

Nguồn : tanhkhong.org, 03/05/2022


Auteur : Như Lưu
Publié le : 12-08-2022 - 17:00