ENSEIGNEMENT  PRATIQUE  QI GONG 
TU HỌC  TU TẬP  KHÍ CÔNG 

4 pháp tu Thiền : Quán Chỉ Định Huệ



Bài viết này là một tóm lược giáo trình của Thầy Thiền Chủ Thích Thông Triệt, dựa trên các bài đọc thêm của Thầy và các lời giảng của Ni Sư Thích Nữ Triệt Như tại Khóa Thiền Căn Bản

Tóm lược

Trong suốt 45 năm hoằng pháp, Đức Phật đã xử dụng phương pháp đối cơ thuyết pháp, giảng dạy rất thiết thực tùy theo năng lực và căn cơ người nghe pháp. Các lời giảng của đức Phật được đời sau gom lai thành 4 phương thức chính để thực hành Thiền. Đó là thiền quán, thiền chỉ, thiền định và thiền huệ.

1 - Thiền Quán

Người Trung Hoa dùng chữ Quán để dịch ra nhiều từ có nghĩa khác nhau trong tiếng Sanskrit/Pali, như các từ Anupassana, Bhavana, Pariksa và Vipassana.

Ở đây chúng ta chỉ trình bày một phương thức Thiền Quán là Anupassana (Pali), Anupasyana (Sanskrit)

Anupassana thường được dịch ra tiếng Việt là khảo sát (investigation), quán sát (examination). Anupassana là tiếng Pāli, nó bao gồm 2 từ ghép lại là Anu có nghĩa là lặp đi lặp lại nhiều lần, liên tục nhau, tiếp nối nhau. Passana là danh từ, có động từ liên hệ là passati, có nghĩa là nhìn bằng tuệ trí hay là nhìn bằng con mắt tâm. Do đó, Anupassana là nhìn liên tục vào hiện tượng thế gian và nhận ra được cái sâu sắc, cái bản thể (còn gọi là chân tánh) của hiện tượng thế gian.

Bản thể hay là chân tánh của hiện tượng thế gian không thể nào dùng con mắt thường mà nhận ra được, vì khi chỉ dùng con mắt thường, ta chỉ thấy được cái bề ngoài (còn gọi là tướng) của hiện tượng thế gian thôi.

Khi Đức Phật thành đạo, ngài đã chứng ngộ các chân tánh của hiện tượng thế gian gồm chân như tánh, huyễn tánh, không tánh, biến dịch tánh, y duyên tánh và bình đẳng tánh và Ngài cũng nhận ra 3 đặc tính chung của hiện tượng thế gian là vô thường, khổ hay xung đột, và vô ngã hay là không thực chất tính. Ba đặc tính này về sau được gọi là tam pháp ấn, tức là ba đặc tính chung của tất cả các hiện tượng thế gian (pháp là hiện tượng thế gian, ấn là dấu hiệu, đặc tính).

Khi ta nghe những lời Đức Phật dạy, suy gẫm, quan sát nhìn những hiện tượng thế gian chung quanh mình để đối chiếu với lời dạy của Đức Phật, và thực hành theo những lời dạy của Đức Phật thì đó là ta đã thực hành Thiền Quán. Khi thực hành Thiền Quán, ta dùng Ý Thức để nghe, hiểu, phân biệt đúng sai, ta dùng Ý Căn để suy nghĩ, ta dùng Trí Năng để suy luận, suy đoán nên Thiền Quán vẫn còn dùng cái Biết Có Lời, vẫn còn dùng vùng tiền trán. Tuy nhiên các pháp của Đức Phật đã bắt đầu chuyển đổi nhận thức của ta, và cái tâm của ta đã có trí năng tỉnh ngộ. Tâm ta đã trở nên khách quan, tĩnh lặng, nhận ra bản thể của ta, và của hiện tượng thế gian, nên Đức Phật cho là ta đã bắt đầu nhập dòng Thánh.

Lúc đó, ý của ta đã trong sạch, lời của ta cũng từ ái, ta hay làm việc thiện, các lậu hoặc, tập khí, kiết sử, tùy miên đã bắt đầu thôi hoạt động nên ta cũng bắt đầu chuyển nghiệp, gây nhiều nghiệp tốt. Tuệ trí ta lúc đó vẫn là tuệ trí có lời nhưng là tuệ trí siêu xuất thế gian.

Khi thực hành Thiền Định, ta tác động cái Biết Không Lời, dẫn tới những kiến giải mới lạ gọi là Huệ tự phát. Huệ này có tánh chất sáng tạo, ta chứng ngộ ra những điều mà trước kia ta chưa từng hay biết, và được gọi là Huệ Bát Nhã. Trong khi Tuệ Trí mà ta đạt được từ Thiền Quán chưa có tính chất sáng tạo, đây là những điều mà Đức Phật đã chứng ngộ và dạy lại cho ta, ta chỉ học, hiểu và ứng dụng.

Thiền Quán cũng là phương pháp tu tập mà đức Phật còn gọi là Tam Tuệ, hay Văn Tư Tu. Văn là nghe giảng, Tư là suy nghĩ, ngẫm nghĩ, quán sát, và Tu là tu tập thực hành.

2 - Thiền Chỉ

Gốc tiếng Pali của thuật ngữ này là Bhavana Samatha. Chữ Bhavana có nghĩa là thực hành, thực tập, luyện tập (practice, cultivation) tiếng Trung Hoa dịch ra là “tu”, nhưng “tu” ở đây không có nghĩa là “sửa” mà là “luyện tập”. Chữ Samatha có nghĩa là trạng thái yên lặng, tĩnh lặng, thanh thản của tâm (serenity, tranquility, calmness), người Trung Hoa dịch là “chỉ” là “sự dừng lại”. Vậy nên Thiền Chỉ hay Tu Chỉ là phương thức thực hành để đạt được tâm yên lặng, tĩnh lặng, thanh thản.

Những kỹ thuật thông dụng để đạt được tâm tĩnh lặng là những kỹ thuật thực hành như nghe tiếng chuông, thư giãn luỡi, thiền hành, nhìn ánh sáng, nhìn bóng đen, nhìn lướt, nhìn xa, nhìn lưng chừng. Đặc điểm của những kỹ thuật này như sau:

Thầy Thiền Chủ gọi các kỹ thuật Thiền Chỉ là những “món ăn chơi” vì đơn giản dễ làm, là “chữa lửa” ví như lúc nhà mình đang cháy thì phải làm sao cho tắt lửa liền, hay là “mì ăn liền”, ví như khi đói quá thì lấy ra ăn. Vì Thiền Chỉ rất đơn giản và có thể giúp tâm ta dừng lại tức khắc. Khi trạng thái thanh thản, tĩnh lặng không kéo dài, chưa vững chắc thì gọi là Thiền Chỉ, khi đã thật vững chắc thì gọi là trạng thái Thiền Định.

Một yếu tố quan trọng trong Thiền Chỉ là Chỉ Biết, tức là giữ cái Biết giống như cái lóe sáng đầu tiên khi giác quan tiếp xúc với đối tượng. Cái Biết này chính là cái Biết của Tánh Giác. Giữ cái Biết ban sơ, kéo dài trạng thái Biết này là Chỉ Biết. Chỉ Biết dịch ra tiếng Anh là “Just Knowing” chứ không phải là “Only Knowing”. Only Knowing là biết một việc duy nhất, cái biết này vẫn còn sự chú tâm, cố gắng để chỉ làm một việc mà không nghĩ đến cái gì khác, do đó vẫn có tự ngã đằng sau. Trong khi đó, Just Knowing là cái biết không lời của Tánh Giác. Đó cũng là Chánh Niệm trong Bát Chánh Đạo: “không có niệm phân biệt”, “không có tâm tán loạn, tâm xao động”, hay “tâm không duyên theo sáu trần”, “tâm không nghĩ thiện, nghĩ ác”.

Một yếu tố quan trọng nữa trong cách thực hành Thiền Chỉ là thực hành trong tất cả mọi sinh hoạt hàng ngày. Phât Giáo gọi là thực hành trong bốn tư thế (đi, đứng, nằm, ngồi) hay bốn oai nghi. Nếu thành tựu vững chắc, tâm sẽ luôn luôn ở trong trạng thái an lạc, vọng tưởng không khởi và sáu căn không dính sáu trần. Thực hành trong bốn tư thế là hằng sống trong cái Bây Giờ và Ở Đây.

Thực tập trong bốn tư thế cũng là thực tập trong mọi tình huống của cuộc sống đặc biệt là trong những hoàn cảnh như khi bị chê trách, mắng mỏ, được khen thưởng, danh dự, khi thấy người đẹp. Có một Thiền Sư nói rằng: “Thấy như mù và nghe như điếc”. Thấy như mù, nghe như điếc không có nghĩa là không thấy, không nghe nhưng là thấy, nghe rất rõ ràng nhưng không có phản ứng, không có biểu lộ cái tâm buồn tâm giận gì hết khiến cho người ngoài tưởng rằng mình là người mù hay người điếc vậy.

Đức Phật được gọi là bậc thánh yên lặng (Muni). Yên lặng ở đây có nghĩa là tâm yên lặng chứ không phải là tịnh khẩu ngoài miệng. Biết Không Lời là không có lời nói thầm từ trong não, thể hiện ra bằng thái độ trầm lặng, thanh tịnh, chứ không phải là ngậm miệng mà trong đầu cứ nói lung tung. Như vậy ta cũng đừng nên so sánh tâm của người tu sáng đạo với tâm của một em bé. Em bé khi mới sanh ra chưa biết chuyện đời nên tâm thơ ngây trong trắng, tuy nhiên vẫn có lậu hoặc và tùy miên tiềm tàng bên dưới tâm, trong khi người tu biết rất rõ ràng đầy đủ mà tâm không dính mắc.

3 - Thiền Định

Định tiếng Pali và Sanskrit là Samadhi, hay được dịch là trạng thái tâm tĩnh lặng vững chắc (tiếng Anh dịch là stillness, stability of the mind).

Đức Phật định nghĩa Định là Tâm thuần nhất: cetaso-ekodibhava (tiếng Anh dịch là Unified mind), tức là tâm chỉ có chính nó, không có gì khác ở trong đó.

Ngài Mục kiền liên tu đế (Moggaliputta Tissa) trong quyển Pháp Tập Luận (kỳ kết tập kinh điển lần thứ 3) định nghĩa Định là Nhất tâm (Citta- ekaggatA) tức là tâm trụ vào một điểm (tiếng Anh dịch là one- pointedness of mind), do đó sau này người ta thường thực hành Định theo cách tập trung (concentration) và chú tâm (mindfulness).

Thầy Thiền Chủ định nghĩa Định một cách giản dị là Sự Nhận Biết Không Lời (Wordless Awareness), trong sự nhận biết không lời này không có chú ý, hay tập trung vào 1 đối tượng. Do đó khi thực hành Định, tâm ta hoàn toàn thư giãn, nên tác động vào Đối giao cảm thần kinh. Từ đó ta mới có thể điều chỉnh Stress và những bệnh tâm thể do tâm rối loạn gây ra.

Trong tiến trình tu chứng và thành đạo, đức Phật đã đi qua bốn từng Định.

Từng Định thứ nhất gọi là Sơ Định, Đức Phật gọi là “Định có tầm có tứ”. Đức Phật đã đạt từng định này bằng cách nói thầm: “Tôi biết tôi hít vào; tôi biết tôi thở ra”. Trọng tâm bước này là “niệm biết có lời nói thầm”, hay “đơn niệm biết” Hiệu quả là cắt đứt quán tính nói thầm từ ba cơ chế Ý Căn, Ý Thức và Trí Năng. Đức Phật đạt được trạng thái phấn chấn, dễ chịu, thanh thản và có kinh nghiệm hỷ lạc. Niệm biết có lời nói thầm là bước căn bản và hữu hiệu để cho vọng tâm lắng động.

Từng Định thứ hai Đức Phật gọi là “định không tầm không tứ”. Ngài biết rõ ràng hơi thở ra, vào dài, ngắn, sâu, cạn nhưng biết mà không có lời nói thầm về sự biết, chỉ thầm nhận biết hay lặng lẽ biết mà thôi. Hiệu quả là tâm Ngài trong sáng, tĩnh lặng, và biết rõ ràng những cảm giác của thân. Lúc bấy giờ niềm hân hoan vui thích thấm nhuần toàn thân Ngài, nhưng “lạc thọ khởi lên nơi ta, được tồn tại, nhưng không chi phối tâm ta”. Đặc tính của Định Không Tầm Không Tứ là trạng thái tĩnh lặng từ bên trong cơ chế Tánh Giác nảy ra, tạo nên kinh nghiệm dòng biết không lời không gián đoạn. Bên trong tâm, ngôn hành hoàn toàn vắng lặng, chỉ có “đơn niệm biết” là dòng biết không lời thường hằng lặng lẽ và vững chắc.

Từng Định thứ ba, Đức Phật gọi là “ly hỷ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác”. Trong giai đoạn này, tâm đức Phật hoàn toàn không còn dính mắc với cảm nhận hân hoan vui thích (hỷ) tuy hỷ vẫn hiện hành. Ngài trụ trong trạng thái bình thản, thanh thản (xả), tâm Ngài không còn dính mắc vào đối tượng nào nữa. Ngài thành tựu “chánh niệm tỉnh giác” tức là biết rõ ràng, đầy đủ môi trường chung quanh và mọi xúc cảm trên thân và tâm mà tâm không giao động. Lúc đó không những ngôn hành mà ý hành cũng yên lặng, tức là thọ và tưởng đều yên lặng. Ngài kinh nghiệm tâm bình thản, dửng dưng, tuy nhận biết rất rõ ràng mà tâm không dính mắc vào bất cứ đối tượng nào. Cái Biết lúc đó là cái “thầm nhận biết không nói”.

Từng Định Thứ Tư gọi là Định Bất Động. Tâm Đức Phật lúc đó chìm sâu trong định không đối tượng. Năng lực nhận thức biết không lời càng lúc càng tỏ rạng. Ngôn hành đã yên lặng từ từng định thứ hai, ý hành đã yên lặng từ từng định thứ ba, nay thân hành cũng không động. Hơi thở rơi vào trạng thái yên lặng tự động từng chập (tịnh tức). Lúc bấy giờ niệm hai bên của người biết và cái bị biết hoàn toàn không có mặt, chỉ còn lại dòng nhận thức biết không lời hiện hữu và vững chắc. Tự ngã hoàn toàn vắng mặt. Sau đó những năng lực và kiến giải siêu phàm từ lần hiển lộ trong tâm trong sáng và thuần tịnh của Ngài.

Hai kỹ thuật chính để thực hành Thiền Định là pháp Thở và kỹ thuật Không Nói. Pháp Thở đã được Đức Phật áp dụng trong tiến trình tu chứng và thành đạo. Kỹ thuật Không Nói do Thầy Thiền Chủ thiết lập để đi thẳng đến mục tiêu loại bỏ lời nói thầm trong não. Cả hai kỹ thuật đều khởi sự bằng bước “dùng tầm tắt tứ” để đi sang cái Biết Không Lời và sau đó là Nhận Thức Không Lời.

“Không Nói” là một cái lệnh cho não bộ không nói thầm. Ta phải cần miên mật áp dụng kỹ thuật này vì não bộ đã có một thói quen huân tập từ khi sơ sanh, đó là thói quen nói thầm trong não. Pháp Không Nói là một phương thức huấn luyện tế bào não một thói quen mới, đó là thói quen yên lặng.

4 - Thiền Huệ

Chữ Huệ và Tuệ đồng nghĩa với nhau. Phương pháp tu Thiền Huệ có hai mức độ. Mức độ thấp gọi là Vipassana (tiếng Pali) hay Vipasyanā (tiếng Sanskrit), dịch ra tiếng Anh là Insight, tiếng Việt là Tuệ Minh Sát hay Tuệ Trí. Mức độ cao gọi là Panna (tiếng Pali) hay Prajna (tiếng Sanskrit), dịch ra tiếng Anh là Wisdom, tiếng Việt là Huệ Bát Nhã.

Khi ta học hỏi và thực hành theo những lời dạy của Đức Phật là coi như ta có Tuệ Trí. Mặc dù gọi là trí, nhưng cái trí này cao hơn cái trí bình thường của người thế gian, nên cũng được gọi là trí xuất thế gian, hay trí siêu vượt thế gian hay trí năng tỉnh ngộ. Khi có Tuệ Trí thì Đức Phật coi như đã bắt đầu bước vào dòng thánh, có nghĩa là các lậu hoặc, tập khí, kiết sử, tùy miên đã bị cô lập và không khởi lên làm chủ tâm ta, và do đó tâm ta trong sạch. Tuy nhiên, Tuệ Trí có được là do học hỏi và thực hành theo những lời dạy của Đức Phật, nên chưa có tính chất sáng tạo.

Khi thực hành Thiền Huệ chung với Thiền Định, thì khả năng sáng tạo hiển lộ, tức là ta kiến giải được những điều mới lạ mà trước kia ta chưa từng biết đến. Đó là khả năng Ngộ là tiềm năng bẩm sinh đã có sẵn trong mỗi con người. Khi ta sống thường hằng trong cái Nhận Thức Biết Không Lời vững chắc thì Huệ Bát Nhã hay Huệ Tự Phát tự nhiên bật ra.

Một kỹ thuật thực hành Thiền Huệ ở mức độ căn bản (cho người sơ cơ) là kỹ thuật Không Dán Nhãn Đối Tượng. Khi ta nhìn một người, cái nhìn của ta hay méo mó, do sự chủ quan của ta, do các thiên kiến, định kiến, thành kiến của ta, do quyền lợi hay tự ngã của ta. Khi ta không dán nhãn đối tượng, ta nhìn đối tượng một cách khách quan, thấy nó đúng như cái nó đang là. Khi đó, ta không bị tình cảm lôi kéo, ta không thương, không ghét, không buồn, không lo, không sợ, không giận, ta không bị dính mắc vào đối tượng, tâm ta tĩnh lặng và thanh thản. Khi thực hành không dán nhãn đối tượng ta vẫn dùng cái Biết Có Lời, nhưng ta đã chuyển đổi nhận thức, không dính mắc, ta nhìn sự việc một cách khách quan, y như cái nó đang là. Tiến xa thêm một bước, khi ta tiếp xúc đối tượng mà ta không dán nhãn đối tượng đồng thời ta cũng không khởi lên lời nói thầm nào hết, thì lúc đó là ta đã thực hành Định Huệ đồng thời, và ta có thể kiến giải ra những điều mới lạ mà ta thường gọi là trực giác.

Kết luận

Trên đây chúng ta chỉ mới bàn tới 4 phương thức thực tập Thiền trong các khóa Căn Bản, tức là dành cho người mới bắt đầu đi vào sự thực hành Thiền, để cho tâm yên lặng. Trong những mức độ cao hơn, chúng ta sẽ bàn tới các chủ đề siêu vượt của Trí huệ Bát nhã trong Phật giáo.

Như Lưu

Nguồn : tanhkhong.org, 27/05/2022


Auteur : Như Lưu
Publié le : 12-08-2022 - 17:10